Thị trường

Giá vật liệu tăng “sốc”, cổ phiếu thép, xi măng tăng "khủng"

23/11/2021, 16:08

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá xi măng, sắt thép vừa qua tăng kỷ lục; giá cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng tăng "khủng".

Giá thép tăng “khủng khiếp”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một nhà phân phối vật liệu xây dựng cho biết, trong một năm qua, giá sắt thép đã tăng khoảng 11 lần và chỉ 2 lần giảm nhẹ, đưa mức giá bán lẻ tăng ngưỡng 40-60% so với thời điểm cuối năm 2020.

img

Giá thép xây dựng tăng mạnh trong vòng 1 năm qua. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, sau đợt giảm mới nhất vào ngày 16/11, giá thép cuộn CB240 Hòa Phát là 16,66 triệu đồng/tấn; D10 CB300 mức 16,72 triệu đồng/tấn (giảm tương ứng 310 và 300 nghìn đồng/tấn).

Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc giảm 500 nghìn đồng/tấn, xuống 16,65 triệu đồng/tấn; Thép D10 CB300 giảm 510 nghìn đồng/tấn, xuống 16,95 triệu đồng/tấn. Thép Thái Nguyên, thép cuộn CB240 có giá 16,85 triệu đồng/tấn, giảm 510 nghìn đồng/tấn; D10 CB300 có giá 17,05 triệu đồng/tấn, giảm 510 nghìn đồng/tấn...

Tuy nhiên,tính chung giá thép vẫn tăng rất mạnh trong 1 năm qua. “Giá thép tăng từ mức sàn 11 triệu đồng/tấn trong năm 2020, lên gần 18 triệu đồng/tấn, có thời điểm gần 20 triệu đồng/tấn trong năm nay”, vị giám đốc doanh nghiệp phân phối trên nói và nhận định đây là mức tăng khủng khiếp khiến cho ngành xây dựng trong nước đang chững lại, sức mua cũng giảm.

Giá xi măng tăng “sốc”

Về giá xi măng, vị giám đốc trên cũng cho biết, dù chỉ tăng 2 lần trong năm nay, lần đầu vào tháng 3, tăng 50 nghìn đồng/tấn và tháng 10, tăng khoảng 80-100 nghìn đồng/tấn. Song đây cũng là mức tăng “sốc” bởi trước đây nếu tăng chỉ nhỏ giọt, cao nhất khoảng 20 nghìn đồng/tấn trong năm.

Đợt tăng giá vừa qua đã đưa xi măng lên mức mới 1,4-1,42 triệu/tấn.

Giá thép và giá xi măng nói riêng và giá vật liệu xây dựng nói chung tăng cao thời gian qua được mổ xẻ là do diễn biến thế giới nên không đem lại lợi nhuận cho những nhà phân phối, bán lẻ mà phần lớn doanh nghiệp sản xuất hưởng lợi. “Bởi giá tăng, sức mua giảm nên lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm mạnh để chạy doanh số. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vốn bỏ ra gấp đôi, nhiều lúc phải vay tiền ngày với phí cao mới được lấy hàng”, vị giám đốc phân tích.

Ông này lý giải: "Đối với sắt thép, bán được 1 tạ mới lãi được 10 nghìn đồng, còn xi măng lãi 8-10 nghìn đồng/tấn. Giá cao khó bán sẽ khiến các đại lý sẵn sàng hạ thấp hơn giá niêm yết để cạnh tranh nhau, đẩy hàng để mong nhận được mức hoa hồng sản lượng hàng tháng. Nếu không căn khéo, không đạt mức sản lượng sẽ bị lỗ nếu giá tăng cao".

Giá cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng vọt

Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã đã kéo cổ phiếu của ngành này bứt phá.

Đơn cử, cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã tăng mạnh hơn 113% trong vòng 1 năm qua, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến giữa tháng 10/1021 cổ phiếu này đã tăng liên tục từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên 49.850 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu POM của Công ty cổ phần thép Pomina cũng tăng mạnh gần 76% trong vòng một năm qua từ hơn 8.000 đồng/cổ phiếu lên 15.500 đồng/cổ phiếu.

Tăng mạnh nhất là cổ phiếu DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc khi tăng 523% từ 5.650 đồng lên 35.200 đồng mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần thép Nam Kim khi cũng tăng mạnh gần 260% chỉ trong vòng 1 năm qua từ 11.800 đồng lên 42.400 đồng một cổ phiếu.

Trong ngành xi măng, cổ phiếu BTS của Công ty cổ phần xi măng Xi măng Vicem Bút Sơn cũng tăng khủng 155% từ 4.500 đồng lên 11.500 đồng mỗi cổ phiếu. BCC của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn tăng mạnh hơn với 232% chỉ trong vòng 1 năm…

Thống kê trên thị trường, hầu hết giá các cổ phiếu thép, xi măng nói trên (trừ HPG) đều có mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường là hơn 46% trong vòng 1 năm qua.

Về nhu cầu thép và vật liệu xây dựng nói chung theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong quý 3 được dồn nén và sẽ bị tăng mạnh trong quý 4 để hoàn thành dự án giúp sản lượng tiêu thụ tăng đột biến.

BVSC cho rằng, trong quý 3 vừa qua, việc giãn cách khiến các hoạt động xây dựng bị tạm dừng và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước bị giảm mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10, các tỉnh, thành phố đồng loạt nới lỏng giãn cách giúp các hoạt động xây dựng trở lại.

Theo đó, nhu cầu về thép sẽ tăng mạnh trong quý 4. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng nội địa trong tháng 10/2021 đạt 782.000 tấn (tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái).

“Quý 4 cũng thường là tháng có sản lượng tiêu thụ thép lớn nhất. Đây là tháng các hoạt động xây dựng diễn ra nhộn nhịp nhất, đặc biệt là các công trình dân dụng để hoàn thành các dự án trước Tết. Do đó, việc tiêu thụ thép trong quý 4 diễn ra mạnh, đặc biệt nếu nhìn vào tỷ trọng trong tiêu thụ thép của HPG trong quý 4 tường chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu thụ của cả năm”, BVSC nhận định.

Nhu cầu tăng mạnh này sẽ là “trụ đỡ” cho các cổ phiếu thép tăng giá.

Báo cáo từ Hiệp hội thép (VSA) cho thấy, sản xuất thép thành phẩm 10 tháng qua đạt hơn 27,7 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020; Bán hàng thép các loại đạt gần 24,6 triệu tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,4 triệu tấn, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường nước ngoài chủ yếu bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, và Mỹ.

VSA nhận định, nhu cầu tăng lên ở các thị trường phương Tây khó tính là động lực cốt yếu giúp xuất khẩu thép của Việt Nam đạt đỉnh trong quý III/2021 và dự báo còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.

Thời gian tới, VSA cho rằng Việt Nam sẽ còn chịu tác động tăng giá theo giá xuất khẩu khi những quốc gia thuộc khối ASEAN, Trung Quốc, EU đang chịu tác động mạnh về khủng hoảng năng lượng, trong khi sản lượng xuất khẩu sang các nước này chiếm tới 70%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.