Vận tải

Giá vé máy bay có tăng sau điều chỉnh giá dịch vụ?

17/08/2017, 10:11

Quyết định tăng một số giá dịch vụ hàng không theo lộ trình không tác động nhiều đến các hãng, hành khách...

5

Chất lượng dịch vụ và mức đầu tư nhà ga quốc nội gần như tương đương với quốc tế nhưng giá cất/hạ cánh chỉ bằng khoảng 1/3 - Ảnh: K.Linh

Tăng giá dịch vụ bù đắp trượt giá chi phí đầu vào

Trao đổi với Báo Giao thông về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không mới được Bộ GTVT ký ban hành, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh nói: Mức giá dịch vụ hàng không hiện tại do Bộ Tài chính ban hành đều có sự hỗ trợ đối với vận tải hàng không trong nước. Cụ thể, giá cất/hạ cánh quốc nội chỉ bằng 34% quốc tế và đáp ứng 34,3 - 35,8% giá thành. Giá phục vụ hành khách quốc nội cũng rất thấp, chỉ bằng 14,8% so với giá phục vụ hành khách quốc tế và chỉ tương đương 47,9% giá thành.

Trong khi đó, theo ông Thanh, chất lượng dịch vụ và mức đầu tư nhà ga quốc nội gần như tương đương với quốc tế. Hơn nữa, theo thông lệ, mức giá này phải bằng ít nhất 50% giá phục vụ hành khách quốc tế.

Theo tính toán, nếu áp dụng các mức thu mới theo Quyết định 2345 của Bộ GTVT, các hãng hàng không như Vietnam Airlines sẽ phải tăng chi phí 87,75 tỷ đồng, Vietjet Air 55,41 tỷ đồng và Jetstar Pacific Airlines là 18,38 tỷ đồng. Giả sử, toàn bộ chi phí của hãng hàng không tăng thêm (161,53 tỷ đồng) được phân bổ vào giá vé máy bay thì chi phí cho một vé sẽ tăng 4.531 đồng. Trong khi đó, giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân của 1 hành khách tăng 25.854 đồng. Như vậy, tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho 1 vé tàu bay là 30.385 đồng. 

“Tôi cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu tư xã hội hóa chỉ tập trung đầu tư vào các nhà ga hành khách quốc tế vốn có tỷ suất sinh lời cao”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, tình trạng tương tự cũng diễn ra với giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không khi mức giá này hiện chỉ bù đắp 33 - 34% giá thành, tương đương 1,5 USD/khách.

“Với giá sân đỗ tàu bay, hiện chúng tôi vẫn đang áp dụng cho thuê sân bay căn cứ theo tháng với mức thu chỉ đạt từ 2,5 - 7,4% so với giá sân đỗ quốc tế tính theo giờ, tùy từng phân loại tàu bay. Mức giá này cũng chỉ đáp ứng được 3,5 - 5,4% mức ACV thu hồi vốn đầu tư nếu đầu tư sân đỗ mới tại thời điểm hiện nay”, ông Thanh cho biết thêm.

Thực tế, theo tân Chủ tịch ACV, chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hàng không trong nước những năm qua đã thúc đẩy ngành này phát triển. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra một số bất cập, trong đó gây ra sự mất cân bằng giữa vận tải hàng không so với các hình thức vận tải khác.

“Giá vé máy bay của Vietjet AirJestar Pacific tuyến Hà Nội - TP.HCM là 865.000 đồng/người/chiều, trong khi giá vé tàu hỏa trên hành trình này dao động từ 1.033.000 - 1.500.000 đồng/người/chiều. Điều này là bất hợp lý”, ông Thanh bày tỏ.

Không tác động lớn đến các hãng và hành khách

Liên quan đến những e ngại về đề xuất tăng giá như vậy có thể gây ảnh hưởng tức thời đến hoạt động của các hãng hàng không, ông Thanh cho hay: Thời gian qua, các hãng hàng không trong nước có rất nhiều thuận lợi nhờ giá nhiên liệu hàng không giảm và giữ ổn định trong thời gian dài, lượng hành khách nội địa tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn gần đây và mức giá dịch vụ phải trả rất thấp. Đây cũng là lý do quan trọng khiến doanh thu và lợi nhuận các hãng đạt mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, năm 2016, Vietnam Airlines đạt hơn 55.000 tỷ đồng doanh thu với hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Vietjet Air đạt 27.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.300 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong khi đó, ACV dù đạt tới hơn 1.100 tỷ đồng lợi nhuận từ dịch vụ hàng không, song hàng loạt tài sản cố định chuyên dùng cho dịch vụ hàng không đều đã hết thời gian khấu hao trên sổ sách nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Điều này có nghĩa, lợi nhuận thể hiện chưa đầy đủ chi phí. Đó là chưa nói đến việc nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng hàng không (CHK) bình quân 5.561 tỷ đồng/năm trong thời gian tới và yếu tố biến động tỷ giá đồng yên Nhật rất khó lường.

Nhấn mạnh khả năng tăng giá vé máy bay sau đợt điều chỉnh này là rất thấp, người đứng đầu ACV lý giải: Ước tính, theo quyết định mới của Bộ GTVT, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 161,53 tỷ đồng/năm, tương đương 4.531 đồng/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,1% giá vé máy bay). Với tỷ lệ như vậy, không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Về phía hành khách, chi phí sẽ tăng khoảng 30.300 đồng/người.

“Nhìn chung, tác động của sự điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đến hành khách không đáng kể và tác động đến hãng hàng không với tỷ trọng nhỏ so với lợi nhuận trong khi dư địa phát triển của các hãng hàng không còn rất lớn. Trong khi đó, với ACV, nguồn doanh thu bổ sung do tác động từ sự điều chỉnh giá là rất cần thiết, góp phần giải bài toán tìm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng bình quân 5.561 tỷ đồng/năm”, ông Thanh khẳng định.

Ủng hộ chủ trương tăng giá dịch vụ để đảm bảo tái đầu tư, đại diện TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) cũng đề nghị Bộ GTVT cần kiểm soát việc tăng giá dịch vụ tại các CHK theo lộ trình hợp lý, cân đối tổng thể về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong vận tải hàng không.

Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,001%

Đánh giá tác động điều chỉnh giá dịch vụ hàng không tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Thị Ngọc đã ký văn bản gửi Bộ GTVT nêu rõ: Tổng cục Thống kê tính toán sau khi điều chỉnh mức giá dịch vụ hàng không, chỉ số giá nhóm dịch vụ hành khách đường hàng không sẽ tăng khoảng 1,3%, đóng góp vào chỉ số CPI 0,001%.

Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ hàng không

Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết: Thời gian qua, ACV đã đầu tư 25.850 tỷ đồng cho các dự án sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng tại các CHK: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vinh, Phú Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Phú Quốc, Tuy Hoà, Cam Ranh, Pleiku… Chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách từ đó đã được nâng cao đáng kể.

Trong thời gian tới, ACV sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các CHK đạt các tiêu chuẩn quốc tế; đa dạng hoá các sản phẩm, loại hình kinh doanh của các CHK; Liên tục cải tiến, cập nhật các quy trình quản lý ISO nhằm nâng cao quy trình, quy chuẩn, chất lượng trong khai thác dịch vụ.

Để làm được điều này, giai đoạn 2017 - 2021, ACV sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục đầu tư liên quan đến việc mở rộng, nâng cấp, bố sung trang thiết bị và rà soát, sắp xếp mặt bằng tại các CHK, kiểm soát chặt chẽ dịch vụ phi hàng không để đáp ứng nhu cầu khai thác của các hãng hàng không. Đặc biệt, TCT sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng tại các CHK hiện có như mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, CHK quốc tế Nội Bài cũng như các cảng Cát Bi, Chu Lai, Phú Bài. Song song với đó, ACV sẽ đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này khoảng 37 nghìn tỷ đồng, chưa tính đầu tư, nâng cấp, mở rộng khu bay.

Ngân Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.