Giá vé máy bay toàn cầu tăng hơn 50% so với năm 2021
Theo Forbes, giá vé máy bay toàn cầu được công bố tăng hơn 50% so với năm ngoái và tăng 40% kể từ đầu năm nay.
Tại Mỹ, theo Cục Thống kê Lao động nước này, giá vé máy bay tháng 4 đã tăng kỷ lục 18,6%. Đây là mức tăng giá mạnh nhất trong một tháng kể từ khi Cục Thống kê Lao động Mỹ bắt đầu theo dõi giá vé máy bay từ năm 1963.
Xu hướng này đã diễn ra trong nhiều tháng. Trong năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đối với vé máy bay đã tăng 25%, mức tăng lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Dự trữ liên bang St. Louis, Mỹ bắt đầu theo dõi chỉ số này vào năm 1989.
Trong năm nay, giá vé máy bay tại Mỹ cũng tăng 33,3% so với năm ngoái, mức tăng thường niên lớn nhất kể từ năm 1980, theo Chỉ số Giá tiêu dùng của người tiêu dùng thành thị Mỹ.
Hậu đại dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của du khách đang ở mức cao chưa từng thấy
Tại Singapore, giá vé máy bay đắt đỏ cũng đang là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm. Cô Jacqueline Khoo làm việc trong lĩnh vực du lịch, cho biết: “Giá vé hiện rất đắt. Công ty của cô đã trả 5.000 SGD (3.632 USD) cho chuyến bay khứ hồi của một đồng nghiệp với Singapore Airlines đến Hamburg (Đức) vào cuối tháng này. Giá vé khứ hồi thông thường cho chặng này chỉ khoảng 2.000 SGD (tức tăng 1,5 lần)”.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy so với năm 2019, giá vé bay từ Singapore trung bình cao hơn 27% trong tháng 4 năm nay, trong khi các chuyến bay từ Australia cao hơn 20%.
David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi tại Viện Kinh tế Mastercard, cho biết du khách đang đặt vé trước nhiều tháng vì họ lo giá vé sẽ cao nếu mua vào phút chót.
Tại Australia, James Cracknell, người đứng đầu cơ sở tư vấn du lịch Windsong Travel tại Bellingen, New South Wales cho hay, giá vé đang ở mức mà ông chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu vào làm trong ngành du lịch từ năm 1998.
Lý do khiến giá vé phi mã
Theo trang CNBC, giá vé ở thời điểm hiện tại gần như cao nhất mọi thời đại và đã có rất nhiều yếu tố tác động tới hiện tượng này.
Trước hết là do giá nhiên liệu tăng. Theo Bloomberg, nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không tầm trung và đã tăng từ 27% trước năm 2019. Đối với một số hãng hàng không giá rẻ, chi phí cho nhiên liệu hiện có thể cao tới 50%.
Thêm vào đó, việc thiếu hụt nhân lực diễn ra trong toàn ngành hàng không cũng đang khiến giá vé tăng cao. Hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất và các nhân viên hàng không khác đã mất việc trong vài năm qua.
Du khách sẵn sàng trả tiền dù giá vé liên tục tăng. Ảnh - Getty
Khi ngành công nghiệp du lịch đang quay trở lại, hàng không và nhiều ngành khác liên quan hiện không thể thuê đủ nhân lực để phục vụ du khách như thời kỳ trước đại dịch Covid-19, do đó, dự báo về chi phí nhân công sẽ còn tiếp tục tăng cao. Sân bay Changi của Singapore đang tìm cách tuyển dụng hơn 6.600 người.
Tại Mỹ, nhiều hãng hàng không nhỏ hơn không thể bay hết công suất vì các hãng hàng không lớn hơn đã “hút” gần hết phi công.
Ở châu Âu, các sân bay lớn đã phải đối mặt với tình trạng hoãn và hủy chuyến liên tục sau khi không tuyển được nhân viên phù hợp. Điều đó đã làm gián đoạn lịch trình của các hãng hàng không và tăng thêm chi phí.
Thêm một yếu tố nữa là các hãng hàng không đang hạn chế công suất trong hè này, không chỉ do thiếu nhân lực mà còn nhiều vấn đề khác. Theo Bloomberg, nhiều mẫu máy bay cỡ lớn như A380 của Airbus SE và máy bay 747-8 của Boeing Co vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu máy bay đã tăng gần 150% trong năm ngoái.
Nhiều hãng bay đang tập trung sử dụng các mẫu máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn như A350 và 787 Dreamliners. Sự thận trọng này đang diễn ra rõ rệt ở châu Á khi Trung Quốc đại lục, thị trường du lịch lớn nhất trong khu vực, về cơ bản vẫn đóng cửa.
Thêm vào đó, các quy định kiểm dịch còn khác biệt tại nhiều nơi cũng đang gây khó khăn cho các hãng bay.
Cathay, bị ràng buộc bởi các quy tắc kiểm dịch và đi lại cứng rắn của Hong Kong nên đã phải thu gọn mạng lưới bay của họ.
British Airways thậm chí đã tạm dừng bay tới Hong Kong. Như vậy, việc số lượng chuyến bay bị hạn chế cũng phần nào khiến giá vé bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, đối với các chuyến đi quốc tế thường bay qua không phận Nga, hành trình hiện tại đang bị dài hơn để tránh khu vực xung đột.
Một yếu tố khác quan trọng không kém là nhu cầu tìm kiếm doanh thu của các hãng hàng không. Họ đã không thu được lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ nặng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Theo Bloomberg, trên toàn cầu, các hãng hàng không đã mất hơn 200 tỷ USD trong ba năm, tính đến năm 2022.
Vì chi phí cố định để duy trì đội bay, cơ sở vật chất và nhân lực rất cao trong thời gian qua nên các hãng hàng không mong muốn nhanh chóng hồi vốn và có lãi.
Giá vé tăng chỉ là hiện tượng ngắn hạn
Theo Bloomberg, không rõ mức giá vé đắt đỏ hiện tại sẽ tồn tại trong bao lâu nhưng hiện tại vẫn có rất nhiều du khách sẵn sàng trả tiền để đi máy bay.
Bà Stephen Tracy, Giám đốc điều hành của Milieu Insight, một công ty phân tích người tiêu dùng có trụ sở tại Singapore, ước tính: “Giá vé tăng là một hiện tượng ngắn hạn. “Tất cả chúng ta hãy chỉ hy vọng rằng một khi những yếu tố bất ổn (như giá xăng dầu, thiếu nhân công hậu Covid-19...) cân bằng trở lại, giá sẽ giảm trở lại. Tôi khá tin tưởng rằng điều này sẽ xảy ra”.
Tuy nhiên, chuyên gia Harteveldt lại cho rằng xu hướng tăng giá vé dự kiến sẽ kéo dài trong suốt mùa hè năm nay khi giá xăng dầu tiếp tục leo thang. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc điều hành của Delta Air Lines, ông Ed Bastian, cho biết tuần trước, giá vé mùa hè có thể cao hơn 30% so với mức trước đại dịch Covid-19.
Giá vé tăng nhưng nhu cầu vẫn cao
Tại một hội nghị ngành hàng không diễn ra tuần trước, Giám đốc điều hành Robert Isom của American Airlines cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một môi trường doanh thu được thúc đẩy bởi nhu cầu đi lại trong nước như thế này".
Một số hãng hàng không của Mỹ tin - họ sẽ có lãi trở lại trong nửa cuối năm nay. Đây vừa là dự đoán vừa là nguyện vọng của một số người, nhưng tất cả đều coi mùa hè này là chìa khóa để biến mong ước này thành hiện thực.
Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Ngân hàng Mỹ cho thấy chi tiêu cho các hãng hàng không và đại lý du lịch đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách hàng có vẻ sẽ đáp ứng mong mỏi của các hãng hàng không khi nhu cầu di chuyển của họ đang tăng mạnh.
Đề cập tới khái niệm “du lịch bù”, bà Hermione Joye, trưởng bộ phận du lịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Google của Alphabet Inc. cho biết, “du khách bị ảnh hưởng về tinh thần trong suốt thời gian phong tỏa vừa qua và họ rất khao khát được đi du lịch".
Tại Mỹ, mùa du lịch nhân dịp lễ Ngày Độc lập (4/7) và tiếp theo là Ngày Lao động (ngày 5/9) đang đến gần nên bất chấp giá cả tăng vọt, người Mỹ cũng không ngần ngại rút thẻ tín dụng và đặt một chuyến du lịch.
Còn theo Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Willie Walsh, một số người tiêu dùng đang dùng chi phí cho các chuyến đi không thực hiện ở thời gian trước được để nâng cấp lên các hạng vé đắt tiền hơn trong các chuyến đi năm nay.
Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát và tình hình thế giới bất ổn hiện tại, khách hàng đã được chuẩn bị sẵn tâm lý rằng giá cả cho mọi thứ sẽ tăng cao hơn bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận