Tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn trong Quý IV và năm 2023
Tăng trưởng kinh tế trong Quý III năm 2022 mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng Quý III năm 2021 rất thấp (-6,17% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 ngày càng gia tăng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những đánh giá về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Theo đó, Bộ này cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch,…
Với kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh. Nếu đúng dự báo, giá xăng Việt Nam sẽ vượt mốc đỉnh 33.000 đồng/lít
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế có rất nhiều khó khăn, bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và khả năng thực hiện nghĩa vụ với nhà nước của doanh nghiệp, có thể tác động tới thu ngân sách ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Các yếu tố trên chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.
Thực tế, để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn. Trong đó có Mỹ thực hiện việc tăng lãi suất, qua đó làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của các quốc gia khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu.
Làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư; Nhu cầu đồng USD lên cao, tác động rất lớn đến điều hành ổn định tỷ giá và mức dự trữ ngoại tệ của nước ta,...
Bằng chứng là thu hút FDI của chúng ta gặp nhiều khó khăn. 8 tháng đầu năm, FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Như là, các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Còn thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.
Mặt khác, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Hiện Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Bộ KH&ĐT đánh giá, tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong Quý IV và năm 2023. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước.
Cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng
Trước thực tế đó, Bộ này cũng đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Đó là, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, nhằm phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, cần nâng cao chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm thiểu tối đa độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023.
Đáng lưu ý, phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công được giao; Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết;…
Còn chính sách tiền tệ, Bộ KH&ĐT yêu cầu thực hiện thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chính sách tài khóa, tiền tệ, điều hành giá là mấu chốt để kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm
Ngoài ra, cần tăng cường việc kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, làm giá, bảo đảm tính lành mạnh của thị trường.
Ở chính sách điều hành giá, Bộ này yêu cầu rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.
Chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực, cũng được Bộ này nhấn mạnh. Theo đó, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
Hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để giảm bớt áp lực huy động vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng,...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận