Giá xăng dầu trong nước ra sao?
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thô thế giới đã thể hiện rõ nhất sự tồi tệ của nền kinh tế toàn cầu dưới tác động của dịch Covid-19.
Bằng chứng là hợp đồng tháng 5 của Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử là âm 40 USD/thùng, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả một cái giá đắt đỏ là 40 USD/thùng cho những người mua hàng. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước được đánh giá là chưa tương xứng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Giá dầu thô thế giới cho thấy bức tranh chung toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm này. Giao thông đình trệ, du lịch không hoạt động, công xưởng đóng của… khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, dẫn đến hiện tượng giá dầu WTI âm khi các hợp đồng tương lai giao tháng 5 đáo hạn vào hôm nay.
"Áp lực đẩy dầu đi để lấy kho dự trữ khiến người bán phải chi khoản tiền bù hoãn mua cho bên nhận hàng. Điều này chỉ xẩy ra trong một số thời điểm đặc biệt phản ánh tình trạng cung quá nhiều và không còn chỗ chứa dầu trong tương lai gần (trong tháng 5) nếu vẫn tiếp tục khai thác và tình trạng giãn cách xã hội tại Mỹ vẫn tiếp diễn như hiện nay. Do đó, giá dầu WTI thể hiện ở mức âm song nó không phản ánh giá dầu thực", đại diện Vụ Thị trường trong nước chia sẻ.
Vì vậy, theo vị đại diện, việc điều hành giá xăng dầu trong nước không phụ thuộc nhiều vào mức giá âm này. Mặt khác, giá nhập khẩu của Việt Nam là giá thành phẩm (từ dầu thô phải qua nhà máy lọc dầu để ra dầu thành phẩm) nên giá trong nước sẽ được điều hành theo giá platts Singapore.
Cụ thể, tính theo giá bình quân trong 15 ngày gần nhất tại kỳ điều hành giá tiếp theo và cộng thêm các khoản phí thuế theo quy định. Hiện, giá platts Singapore có giảm theo xu hướng toàn cầu, tuy nhiên, vẫn giữ quanh mức 25 USD/thùng.
Có nên ngừng nhập khẩu xăng dầu?
Giá xăng dầu nhập khẩu giảm mạnh so với trước. Bên cạnh những cơ hội cho nhà đầu tư thì những doanh nghiệp sản xuất trong nước đang đối diện với sự thiệt hại nặng nề khi lượng tồn kho vượt 90%. Trước thực tế đó, chúng ta có nên ngừng nhập khẩu xăng dầu theo đề xuất của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để cứu các nhà máy lọc dầu?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế thương mại tự do thì những người kinh doanh xăng dầu phải bắt nhịp được xu thế toàn cầu và họ không làm gì sai khi tiếp tục nhập khẩu. Theo ông Long, việc nhập khẩu sẽ giúp giảm giá thành xăng dầu trong nước đáng kể, người dân sẽ được lợi.
"Việc đề xuất tạm ngừng nhập khẩu là không công bằng trong cạnh tranh. Nếu PVN muốn các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ trong nước thì cần phải cạnh tranh về giá, tuy nhiên, điều này rất khó bởi lượng xăng dầu trong nước đã tích trữ vào thời điểm giá cao nên dù có giảm giá cũng cao hơn nhiều so với giá thế giới thời điểm này", ông Long cho hay.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, giá xăng dầu thế giới giảm sẽ là lợi thế cho chúng ta để phục hồi kinh tế sau tác động của Covid-19 bởi giá xăng dầu thế giới giảm hơn 50% so với trước đây. Do đó, Hiệp hội sẽ sớm hoàn thành văn bản gửi đến Bộ Công thương đề nghị cho nhập khẩu xăng dầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận