Có thể ở vùng 60-90 USD/thùng
Tại toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9/2022, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, dự báo từ các chuyên gia quốc tế cho thấy, giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60-90 USD/thùng trong quý IV năm nay.
Sở dĩ dự báo khoáng cách này, theo ông Dũng, trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá dầu rõ ràng đang ở trong 1 xu hướng giảm.
Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9/2022
Cụ thể, giá dầu WTI và Brent đã giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm, sau khi dầu WTI đã ở dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chuẩn bị giảm dưới mốc này.
Tuy nhiên, khi giá thế giới giảm đến vùng 60-70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá. Do đó, mốc giao dịch có thể đẩy lên quanh 90 USD/thùng.
Còn với kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh (đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley), ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) nói thêm.
Tác động ra sao đến kinh tế?
Đánh giá những tác động từ giá dầu, ông Lê Tuấn Anh nhận định, giá dầu càng tăng cao, thì tác động đến kinh tế càng lớn.
Giá dầu sẽ tác động tiêu cực với các nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ, khí đốt để phục vụ phát triển kinh tế, song sẽ có tác động tích cực với các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trên thế giới.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu thô thế giới tăng cao sẽ gây áp lực tăng giá xăng dầu trong nước.
Về mặt thuận, giá dầu tăng giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu thô. Thu từ dầu thô tháng 8/2022 ước đạt 8,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, bằng 181,2% dự toán năm và tăng 98,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm.
Những ngành bị tác động nhiều nhất như hoạt động khai thác thuỷ sản khi chi phí xăng dầu chiếm tới 76,73% tổng chi phí sản xuất; Hoạt động vận tải chiếm 63,36%; Khai thác than chiếm 45,18%...
“Mặt không thuận sẽ nhiều hơn, như cản trở phát triển kinh tế, gây áp lực lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát; khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao; gây khó khăn cho xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP”, ông Lê Tuấn Anh cho biết.
Thực tế, bình quân 8 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
“Nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Nhà nước tiếp tục giảm thuế, phí, doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất
Trước thực tế đó, để giảm thiểu tác động của giá xăng dầu, ông Lê Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát;
Ngoài ra, cần đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; Tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; Đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.
Còn TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ KH&ĐT kiến nghị, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước...
Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan nhấn mạnh, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng.
“Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.
Do vậy, để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”, ông Kenya Maeda cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận