Sắp phá đỉnh lịch sử
Hiện, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên 24.338 đồng/lít, là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Mức giá này đã được liên Bộ Công thương - Tài chính tăng chi Quỹ Bình ổn (BOG). Nếu không tăng chi, mức giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít. Lúc này, RON 95 sẽ lên mức 25.406 đồng/lít, chỉ cách mức đỉnh lịch sử (25.730 đồng/lít) được thiết lập ngày 23/6/2014 khoảng 300 đồng/lít.
Hiện, giá xăng chỉ cách đỉnh lịch sử 1.392 đồng/lít
Tuy nhiên, với đà tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới trong suốt thời gian qua và dự báo chưa dừng lại khi khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng trên toàn cầu, thì việc phá đỉnh cũng sẽ sớm xẩy ra.
Trong khi đó, Quỹ BOG đang dần "đuối sức", không thể liên tục "xả" để kiềm chế giá xăng dầu khi đã có tới 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm tới 697,6 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex ) âm 262 tỷ đồng...
Bởi vậy, khi giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ không thể dựa vào Quỹ BOG giá để kiềm chế đà tăng trong nước.
Cách nào giảm giá xăng dầu?
Nhận định về việc “có giảm được giá xăng dầu?”, 3 giải pháp được giới chuyên môn và người dân đặt ra: Một là giảm tối đa các loại phí, thuế; Hai là tăng sản lượng khai thác trong nước để hạ giá thành trong nước; Ba là tăng sản lượng để hưởng lợi tăng giá và tăng thu ngân sách, từ đó hỗ trợ giảm giá xăng dầu.
Theo quy định, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.430 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.430 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.434 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.
Bên cạnh đó còn có các khoản chi phí định mức ngưỡng 1.050 hoặc 1.250 tùy loại; Lợi nhuận định mức 300 đồng/lít...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, kiến nghị một số biện pháp, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc giảm các loại thuế, phí của mặt hàng xăng.
Còn phương án tăng khai thác trong nước để điều chỉnh giá nội địa, theo ông Đông, không thực hiện được do sản lượng chỉ liên quan đến nguồn cung.
Bởi Việt Nam vẫn điều hành giá và có công thức thức tính theo giá thế giới. Sản lượng không liên quan đến giá cơ sở và giá điều hành, mà sẽ liên quan 1 phần đến chiết khấu giữa các đơn vị cung cấp.
Còn với đề xuất thứ 3, ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ, khả năng tăng sản lượng khai thác dầu thô trong năm 2022 là khó khả thi khi tài nguyên tại các mỏ khai thác lâu nay suy giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15-35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ.
Trong khi, để có thể khai thác được mỏ dầu, cần phải đầu tư mất hàng chục năm để thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác mới có sản lượng.
Thực tế, hiện nay, khai thác mỏ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư nhưng Luật dầu khí chưa sửa được nên chưa có mỏ mới.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, ngoài Quỹ BOG, chỉ còn giải pháp giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, thì mới giảm được giá xăng dầu.
Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong ngắn hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận