Hàng hóa vẫn “phớt lờ"
Hiện, giá xăng dầu đã có 4 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít xăng, xuống còn hơn 24.000 đồng/lít, từ mức gần 33.000 đồng/lít.
Nhưng đến nay, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn không có dấu hiệu giảm.
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, mì, dầu ăn… tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa vẫn ở mức cao. Các tiểu thương cho biết, giá chỉ chững lại chứ không giảm.
Chị Thắm, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết, giá rau xanh vẫn neo cao. Cụ thể, bắp cải đang có giá 20.000 đồng/kg; Súp lơ 20.000 đồng/kg; Củ cải, cà rốt 18.000 đồng/kg; Xà lách 20.000 đồng/kg; Cà chua 15.000-20.000 đồng/kg; Bí xanh 20.000 đồng/kg; Rau mùi 30.000 đồng/kg; Rau muống, mồng tơi có giá 8.000 đồng/bó... thịt lợn, trứng, gia cầm cũng giữ nguyên giá so với tháng trước.
Nhiều thực phẩm thiết yếu vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá
Giá thịt lợn ở các chợ dân sinh Hà Nội cũng đang ở ngưỡng 120.000-170.000 đồng/kg; Giá gà ta nguyên lông ngưỡng 120.000-130.000 đồng/kg... tăng ngưỡng 20.000-50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm, nguyên nhân được giải thích là do giá xăng dầu lên khiến các mặt hàng đều tăng theo...
Lấy ví dụ về việc “tăng dễ, những giảm khó”, một tiểu thương chợ Phùng Khoang cho biết, các loại rau củ quả thiết yếu như rau muống, rau cải... trước đó tăng khoảng 40% lên 8.000-10.000 nghìn đồng/kg, đến hiện tại vẫn giữ nguyên giá 8.000 đồng/bó và chưa có dấu hiệu giảm.
Nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng không nhúc nhích. Đặc biệt, mặt hàng dầu ăn đã tăng tới 10 lần những cũng không có điều chỉnh rõ rệt trong những đợt giảm giá xăng dầu vừa qua.
Kiểm soát thế nào?
Bộ Tài chính cũng vừa lên tiếng về vấn đề này. Theo Bộ Tài chính, tháng 7/2022, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng.
Bộ Tài chính đánh giá, nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều yếu tố tác động đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu đi xuống.
Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, Bộ này cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
“Cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào. Đặc biệt, chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết”, Bộ Tài chính cho biết.
Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải (bình quân 35-50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào
Nói về giá cước vận tải, Bộ GTVT được Bộ này đề nghị chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, các cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.
Với việc, hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí, Bộ Tài chính cho biết, giá cước vận tải bằng xe ô tô do thị trường điều tiết, quyết định, việc công khai, niêm yết thông tin về giá thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 và Điều 6 Luật Giá.
“Các hành vi vi phạm về công khai, niêm yết thông tin về giá được xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn”, Bộ Tài chính thông tin.
Về mặt ổn định thị trường hàng hóa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng vừa ký ban hành công điện số 4436 (ngày 29/7/2022) gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhằm ổn định thị trường và an sinh xã hội.
PV Báo Giao thông cũng đã đặt vấn đề về việc "quản lý, kiểm tra, xử phạt tình trạng phất lờ” trên với Tổng cục QLTT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận