Trong kỳ điều chỉnh ngày 1/2, giá xăng dầu tăng hơn 700 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này, trong đó xăng RON 95-III đắt thêm 2.250 đồng/lít (tăng khoảng 10% so với 4 tuần trước), E5 RON 92 đắt thêm hơn 1.900 đồng (tăng hơn 9%).
Mặc dù giá xăng tăng liên tục, song trong các kỳ điều chỉnh gần đây, cơ quan điều hành không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi tính đến hết quý III/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dương hơn 7.000 tỷ đồng.
Vì sao không chi quỹ bình ổn?
Trao đổi với Báo Giao thông về nguyên nhân tăng giá xăng liên tiếp, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết thị trường xăng dầu thế giới gần đây tăng cao do nhiều yếu tố như căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang; nguồn cung xăng dầu tại Mỹ thắt chặt do lạnh giá gây gián đoạn hoạt động sản xuất; kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu…
Còn về việc vì sao giá xăng tăng liên tiếp nhưng không chi quỹ bình ổn để kìm giá, vị này cho biết việc quyết định chi hay không được thực hiện theo quy định của Thông tư 103 hướng dẫn về phương pháp trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu của Bộ Tài chính.
Theo quy định, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng 7% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng 7-10% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ quyết định mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Trường hợp Bộ Công thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công thương quyết định để áp dụng.
Nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.
Các kỳ điều hành qua, mức tăng chưa đến 7% nên liên Bộ Công thương – Tài chính không chi quỹ. Về việc sau 4 phiên tăng liên tiếp, tổng cộng mức tăng từ 9-10%, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết sẽ có báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các kỳ điều hành sau nếu giá xăng tiếp tục tăng, khi xét đến yếu tố ảnh hưởng kinh tế và đời sống người dân.
"Cần điều hành linh hoạt"
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng việc giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh sẽ có những tác động tương đối lớn đến chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, Bộ Công thương cần xin ý kiến Chính phủ để có biện pháp phù hợp, nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tăng 2,72%.
Nguyên nhân của mức tăng này là có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%; nhóm giao thông tăng 0,41%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%.
Một chuyên gia về giá cũng cho rằng Bộ Công thương cần điều hành linh hoạt và có báo cáo kịp thời trước những biến động của giá xăng dầu, trong bối cảnh giá hàng hóa có xu hướng tăng cao vào dịp Tết.
Cho rằng Thông tư 103 có những quy định không rõ ràng, vị này nói: "Thông tư này chỉ quy định mức tăng cho từng lần mà không quy định cho một số lần tăng liên tiếp. Điều này cũng để lại bài học vào năm 2022, khi giá xăng tăng liên tiếp tới hơn 30% nhưng không thể điều chỉnh".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận