Sự hồi phục kỳ diệu
Được ngắm nhìn con chạy nhảy, líu lo, đôi mắt mẹ bé N.N.M (6 tuổi) lấp lánh giọt nước mắt hạnh phúc. Với gia đình bé M, tất cả như vừa trải qua một giấc mơ vậy. 21 tháng tuổi, bé M bắt đầu xuất hiện cơn động kinh, tuy nhiên, khi đó gia đình chỉ nghĩ con sốt co giật.
Sau nhiều lần thăm khám, bé M được xác định mắc động kinh kháng trị. Tại Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ nhận định M có vùng động kinh trên phim cộng hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và các dây trung tâm, nên việc can thiệp là vô cùng mạo hiểm.
"Chứng kiến ngày nào con cũng liên tục chịu các cơn động kinh, cha mẹ đau lòng mà lực bất, tòng tâm. Kết quả sau ca phẫu thuật con khỏe mạnh, không còn cơn động kinh, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến", mẹ bé M chia sẻ.
Sau ca phẫu thuật đầu tiên thành công nhờ vào kỹ thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não cho bé M, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện ca thứ 2 với bé trai H.T (5 tuổi) cũng mắc động kinh kháng trị.
Chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu sau ca mổ thành công của con trai, chị Trang (mẹ bé T) xúc động cho biết: "Con bị bệnh nhiều năm, đi khám các nơi nhưng đều không điều trị được, chúng tôi cứ nghĩ rằng không có cách nào giúp con nhưng điều kỳ diệu đã xuất hiện. Bây giờ nhìn con thoải mái vui đùa, tôi vẫn chưa dám tin đó là sự thật, xúc động và hạnh phúc vô cùng. Con thật may mắn khi được các bác trao cho một cuộc đời mới".
1 tỷ đồng 1 ca bệnh
M và T là hai bệnh nhi được phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ sinh động kinh, nhờ đó các bác sĩ tiến hành cắt bỏ chính xác ổ động kinh phức tạp. Đây là kỹ thuật tiến tiến trên thế giới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. BS CKII Lê Nam Thắng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Phó giám đốc Trung tâm Thần kinh cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao tại Hoa Kỳ.
BS Thắng chia sẻ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành thăm dò tổn thương sinh động kinh bằng điện não đồ bề mặt vỏ não trong mổ từ 2017. Tuy nhiên có nhiều hạn chế, chỉ chẩn đoán ổ động kinh đã được cắt hết chưa được sau phẫu thuật.
Còn phẫu thuật theo phương pháp mới này giúp chẩn đoán chính xác vùng gây động kinh, nhờ đó ê-kíp phẫu thuật quyết định cắt tổ chức nào ít nhất, đạt hiệu quả cao nhất, không làm ảnh hưởng tới vận động, ngôn ngữ của trẻ sau này và giúp trẻ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ.
Nói thêm về hai ca mổ đầu tiên, BS Thắng cho hay: "Để ca mổ cho bé M được thực hiện chính xác và hiệu quả nhất, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama Hoa Kỳ, chúng tôi đã phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ liên tục, nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh, từ đó lựa chọn vị trí và phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé M. Sau mổ, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt, không ảnh hưởng chức năng vận động".
Với bé T, BS Thắng tiết lộ, do những vùng gây động kinh rất gần các vùng chức năng, các bác sĩ cùng ê-kíp chuyên gia Hoa Kỳ tiến hành 2 bước, mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó đặt điện cực, bao gồm cả điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị. Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ phẫu thuật cắt ổ động kinh cho trẻ.
"Nhờ việc phẫu thuật đạt được thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường", BS Thắng nói thêm.
Theo tìm hiểu, kỹ thuật trên được triển khai tại Mỹ và châu Âu từ 5 năm trước, có hiệu quả rõ rệt và được chỉ định cho bệnh nhân có những dấu hiệu mắc động kinh kháng thuốc, vùng sinh động kinh không rõ ràng, vùng gây động kinh gần vùng chức năng ngôn ngữ, vận động.
Tuy nhiên, theo BS Thắng, đây là kỹ thuật khó, tốn kém và khó làm đại trà. Tại Mỹ, riêng tiền phẫu thuật là 150 nghìn USD, chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc. Trong khi đó, một ca tại Việt Nam nếu tiết kiệm cũng phải tốn chừng 1 tỷ đồng và chi phí phẫu thuật chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
"Chúng tôi rất mong muốn Bộ Y tế và bệnh viện có những chính sách để giúp các bệnh nhi không may mắc bệnh động kinh kháng trị có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường", BS Thắng gợi mở.
Sang Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, GS Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ cho biết: "Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật này. Các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên tiếp thu rất tốt trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhi. Chúng tôi hy vọng rằng các ca phẫu thuật đều sẽ đạt kết quả tốt".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận