Người dân dùng máy kéo chở hàng nông sản qua cầu treo Liên Phương (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ,Thái Nguyên) |
Tết Đinh Dậu 2017, hàng nghìn người dân tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên được đi lại thuận tiện trên những cây cầu treo dân sinh an toàn, chấm dứt cảnh phải lội bộ hay đi lại bằng bè, mảng qua sông bao đời nay...
Những giấc mơ có thật
Những cây cầu tạm tròng trành, chênh vênh vắt qua con suối chảy xiết đã được thay bằng cầu treo thép vững chãi. Có cầu mới, các bản làng vùng cao cũng thay da đổi thịt từng ngày. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng 186 cầu treo dân sinh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên và những cây cầu từ chương trình “Nhịp cầu yêu thương” giúp nhân dân vùng khó đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.
Chúng tôi đến xã Chi Lăng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) trong những ngày chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu. Từ ngày khánh thành cây cầu Nà Chát nối với trung tâm xã Chi Lăng, không khí ở thôn Bản Tạm nhộn nhịp hẳn. Ước mơ có cây cầu qua sông từ bao đời nay đã thành hiện thực. Nhiều cụ cao tuổi chống gậy bắt con cháu đưa ra tận bờ sông để ngắm cây cầu hoành tráng bắc qua sông mà ngỡ mình đang mơ, vui khôn tả. Cụ Nông Thị Nhàn (70 tuổi, người dân tộc Nùng) chia sẻ: “Cứ đến mùa nước lũ là người dân bản Nà Chát không thể qua được suối. Trẻ con không thể đến được trường. Khi có người ốm không thể đưa ra được bệnh viện. Nay có cây cầu to đẹp, dân Nà Chát mới thực sự được đổi đời”.
"Quá trình thực hiện, nhận thấy quy mô thiết kế cầu treo dân sinh ban đầu chưa phù hợp với thực tế, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, có ít người lưu thông, Tổng cục Đường bộ VN đã rà soát, nghiên cứu điều chỉnh để tiết kiệm tối đa chi phí. Khi điều chỉnh, giá thành để xây cầu treo tiết kiệm hơn, cùng một lượng tiền đó sẽ làm được nhiều cầu hơn, tiết kiệm được khoảng 20% so với dự toán. Cứ bốn cầu tiết kiệm được chi phí có thể làm thêm được một cầu mới." Ông Nguyễn Trung Sỹ |
Đến thăm gia đình chị Vi Thị Bích, Bí thư Chi bộ thôn Bản Tạm lúc chị đang tất bật cùng thợ xây kè bờ ao thả cá. Đất đào ao chị đổ lên vườn để trồng bưởi, trồng cam. Chị Bích chia sẻ, có cầu đúng là khác thật, đi lại đã thuận tiện, hàng hóa chẳng thiếu thứ gì mà giá lại rẻ hơn trước. Nhiều hộ trong thôn đua nhau xây nhà mới, mua sắm đồ dùng, tiện nghi nội thất. Hàng hóa nông sản của người dân làm ra không còn bị ép giá như trước. “Khách từ khắp nơi đến tận nhà để mua gỗ, mua lợn, mua hoa quả, đời sống của người dân đổi thay trông thấy. Người dân xã tôi xem cây cầu như là tài sản của chính mình”, chị Bích tâm sự.
Rời Tràng Định, chúng tôi đến xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), nơi có cây cầu treo Liên Phương. Từ TP Thái Nguyên đến cầu Liên Phương chỉ gần 50km, nhưng phải một tiếng rưỡi xe ô tô mới tới nơi. Cầu treo Liên Phương nối vào hai xóm vùng đặc biệt khó khăn là Khe Hai và Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chấm dứt cảnh người dân địa phương phải qua sông bằng bè mảng đã tồn tại bao đời.
Sự kiện công trình cầu treo được khánh thành vào cuối năm 2015 đã trở thành thời khắc khó quên đối với người dân nơi đây. Ông Hoàng Văn Hòa, 56 tuổi, người làm công việc chèo đò tại bến đò Bản Tèn xúc động nói: “Trước đây, vào mùa mưa bão có hàng trăm lượt trẻ em đi học, giáo viên đi làm thường xuyên phải qua sông bằng bè kéo, việc đưa các cháu sang sông đến trường rất căng thẳng bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ước mơ về một cây cầu kiên cố của trên 500 hộ dân thuộc 6 thôn bên kia sông luôn thường trực. Chúng tôi đã chờ cây cầu này lâu lắm rồi. Giờ có cầu mới, tôi “thất nghiệp” nhưng rất vui”.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ, sau khi cầu khánh thành, Đảng bộ xã thống nhất điều chỉnh lại mục tiêu phát triển KT-XH và đề ra nhiều giải pháp mới đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân. “Có khi cả đời một người dân vùng sâu, vùng xa không bao giờ đi đường cao tốc, máy bay. Nhưng với cây cầu treo, dù rất nhỏ bé nhưng có thể giúp hàng trăm con người giảm nghèo”, ông Thịnh nói.
Cầu treo Nà Chát, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn |
Nối dài nhịp cầu ước mơ
Cứ một cây cầu được dựng lên sẽ vợi bớt đi cảnh “đò giang cách trở” của người dân vùng sâu, vùng xa. Bằng tất cả nỗ lực của những người xây cầu, trong điều kiện nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, để người dân có nhiều cầu hơn, đầu năm 2015, Bộ GTVT đã phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay góp tiền, góp cầu vì bà con vùng khó. Đến nay, Bộ GTVT đã kêu gọi được hơn 300 tỷ đồng để xây dựng thêm 43 cầu, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 34 cầu.
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục QLXD đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) chia sẻ: “Nhiều người thấy thực tế khó khăn thì lùi bước, nhưng đối với những người đi xây “Nhịp cầu yêu thương”, đó lại là động lực để phấn đấu, bởi họ nghĩ những nỗ lực nhỏ góp lại cũng có thể mang đến một cây cầu vững chắc để người dân không còn phải nhọc nhằn mỗi lúc qua sông suối. Đó là động lực để những người xây cầu nghĩ cách có thêm nhiều cây cầu cho người dân”.
“Mùa xuân đang về, nhiều bản làng có thêm cây cầu mới và đón Tết no đủ, đầm ấm hơn. Đó cũng là lý do để những người thợ cầu tiếp tục những hành trình xây dựng “Nhịp cầu yêu thương” trên khắp mọi miền Tổ quốc”, ông Sỹ nói.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, giai đoạn 1 gồm 186 cầu treo dân sinh thuộc Đề án đảm bảo ATGT ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được hoàn thành đưa vào sử dụng bằng nguồn ngân sách nhà nước với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Tới đây chương trình xây dựng cầu treo sẽ được tiếp tục mở rộng thực hiện tại dự án LRAMP (Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương - PV). Dự án này gồm hai hợp phần chính là đường và cầu với tổng mức đầu tư 408,93 triệu USD gồm 385 triệu USD vay vốn ODA từ WB và 23,93 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo 676 km đường; Bảo dưỡng thường xuyên trên 61.000 km đường tại 14 tỉnh; Xây dựng 2.174 cầu dân sinh tại 50 tỉnh trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021. “Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong vòng 5 năm, nhưng Tổng cục Đường bộ phấn đấu rút ngắn thời gian, chỉ triển khai trong 3 năm, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH cho người dân vùng sâu, vùng xa”, ông Huyện thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận