Xã hội

Giấc mơ về cây cầu nối đôi bờ Tam Sơn

11/09/2021, 14:00

Hàng chục năm qua, hàng ngàn hộ dân ở huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước (Quảng Nam) vẫn mong mỏi chiếc cầu Đá Giăng nối đôi bờ Tam Sơn.

Chiếc cầu phá thế cô lập

Không có cầu, hàng ngày người dân thôn Danh Sơn (xã Tam Sơn) vẫn lội bộ cắt ngang sông để đến các khu vực sản xuất, học sinh thì đến trường, đi vào trung tâm xã, hay đến với các địa phương giáp ranh thuộc Tiên Phước, Phú Ninh. Vào những thời điểm nước cạn, có người không chỉ lội bộ, mà chạy cả xe máy băng qua sông.

Giữa trời nắng chang chang, ông Lê Bá Tri (58 tuổi, thôn Danh Sơn, xã Tam Sơn) chạy xe máy băng qua con nước nhỏ, vừa lên khỏi mặt nước, gặp bờ cát, chiếc xe loạng choạng suýt đổ.

img

Hiện nay, huyện Núi Thành đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để đầu tư công trình cầu Đá Giăng

Dừng xe 1 lúc, ông lấy lại thăng bằng rồi vù ga, chiếc xe máy xả khói khét lẹt trườn theo lối mòn ngược về bên kia thôn Thuận Yên Tây. Lên đến bờ dốc, ông quay đầu lại, cười: “Đoạn thắt lòng sông này, nước cạn chỉ được mấy tháng hè thôi, vô mùa mưa là hết lối”.

Ông Tri kể, năm 1987, ông bắt đầu công tác ở UBND xã Tam Sơn. Đến tháng 8/2020, ông về hưu. Sau hơn 30 năm làm cán bộ xã, ông có 2 nhiệm kỳ giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Tam Sơn.

Trong suốt thời gian ông làm việc ở xã, cây cầu Đá Giăng là cái tên được nhắc nhiều nhất trong số những kiến nghị của ông, với vai trò là người đại diện cho bà con xã Tam Sơn.

Và đến tận bây giờ, ông tiếp tục gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền, với tiếng nói của một cử tri. Hơn ai hết, ông hiểu rõ niềm mong mỏi của người dân địa phương về cây cầu này.

Nói về quá trình hình thành vùng đất này, ông Trì cho biết, sau khi công trình đại thủy nông Phú Ninh được xây dựng, người dân Tam Sơn rời khỏi lòng hồ, nhường đất, rồi đi kinh tế mới.

Một số người dân đến Tam Trà, số nữa ngược lên Trà Đông (huyện Bắc Trà My), hoặc xa hơn sinh sống. Số khác bám trụ lại dọc các sườn đồi, nơi không bị ngập.

“Việc đầu tư xây cây cầu Đá Giăng vừa là yêu cầu bức thiết giúp người dân đi lại thuận lợi, vừa phá thế cô lập, tạo kết nối giao thương với các địa phương giáp ranh. Có cầu, người dân Tam Sơn sẽ không còn loay hoay với bài toán mưu sinh đốt rừng trồng keo, làm rẫy, gây nhiều hệ lụy đến môi trường và nguồn nước. Có cầu sẽ mở lối làm ăn phát triển kinh tế, khai thông hàng hóa, người dân Tam Sơn sẽ có thêm nhiều lựa chọn về sinh kế”, ông Tri bày tỏ.

Nhiều người dân ở hai thôn Danh Sơn, Thuận Yên Tây than thở, trước đây, khi nghe tin đoàn khảo sát xây cầu, người dân ai cũng khấp khởi mừng, nhưng rồi mùa mưa này tới mùa mưa khác, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.

“Không có cầu, đường đến trường của những đứa trẻ cấp 2 ở hai thôn Danh Sơn, Thuận Yên Tây dài hơn 20km đi và về mỗi ngày. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa là muôn trùng khổ cực. Đường xa, cách trở, việc khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm ở trạm xá, hay có việc cần lên xã giải quyết giấy tờ, thường mất đứt một buổi”, ông Huỳnh Thuận (60 tuổi, thôn Thuận Yên Tây) cho biết.

Người dân cho biết, vào mùa mưa muốn qua sông, người dân phải đi đường vòng xấp xỉ 10km, vòng qua một cây cầu phía hướng lên Tam Trà, rồi vòng trở ngược lại một con đường bê tông. Đường vòng, lại là rừng núi, đầy bất trắc.

Khi nào chủ trương thành hiện thực?

Ông Trần Công Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho hay: Lòng hồ Phú Ninh chia cắt địa bàn xã Tam Sơn thành hai phần, giao thông cách trở. Lâu nay, khu vực các xã giáp ranh giữa Tam Sơn với xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và Tiên Lập (Tiên Phước) giao thông rất khó khăn, hệ thống đường nhỏ, hẹp và bị chia cắt do lòng hồ Phú Ninh.

Không có cầu, địa bàn chia cắt, tạo thành trở lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các mặt hàng nông lâm sản bán với giá thành thấp, nhưng chi phí đầu tư, sản xuất lại cao. Nghịch lý đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Theo ông Hiệu, nếu cầu Đá Giăng được đầu tư xây dựng sẽ không chỉ phá thế chia cắt địa bàn xã Tam Sơn, mà còn mở ra không gian kết nối với tuyến đường tỉnh lộ, nối Tam Sơn với các xã Tam Hòa - Tam Anh Nam - Tam Thạnh - Tam Sơn (huyện Núi Thành), rồi xã Tiên Lãnh (huyện Phú Ninh) và các xã Tiên Lập - Tiên An - Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước).

“Hàng chục năm qua, hơn 4.800 người dân ở đây, cũng như chính quyền xã Tam Sơn đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và bày tỏ nguyện vọng, mong ước có một cây cầu Đá Giăng, vậy nhưng…!”, ông Hiệu ngập ngừng chia sẻ.

Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Từ lâu, việc xây dựng cây cầu Đá Giăng đã được “nghiên cứu”. Năm 2012, cầu Đá Giăng từng được đưa vào nghị quyết để đầu tư, song do không có vốn nên buộc phải tạm dừng, và dừng mãi cho đến nay”.

Ông Sinh nhìn nhận, do hệ thống công trình cầu thiếu đồng bộ, không đảm bảo việc kết nối giao thông giữa các vùng trên địa bàn huyện Núi Thành và các huyện lân cận đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao thông đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Nếu công trình cầu Đá Giăng được xây dựng sẽ tạo thêm một tuyến liên kết vùng, kết nối Đông Tây ở khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam. Khi đó, tuyến đường Đông Tây này sẽ có đủ điều kiện để nâng cấp thành tuyến tỉnh lộ. Chúng tôi nhận thấy việc đầu tư xây dựng công trình cầu Đá Giăng là hết sức cần thiết”, ông Sinh thông tin.

Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, qua khảo sát thực tế, Sở GTVT Quảng Nam có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo HĐND xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cây cầu giai đoạn 2021-2025. Sở GTVT Quảng Nam cũng đã đề nghị UBND huyện Núi Thành nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư. Nếu đầu tư hạng mục cầu Đá Giăng thì công trình này có quy mô dài khoảng 300m, đường dẫn dài khoảng 2km, kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.