Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kẹt cứng trong những ngày cao điểm |
21 sân bay không bằng một CHK trong khu vực
“Nói doanh nghiệp (DN) hàng không vướng gì nhất, ai cũng nói ngay là hạ tầng thiếu và yếu”, Phó tổng giám đốc TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành mở đầu phần phát biểu của mình tại Hội nghị gỡ khó cho DN vừa được Cục Hàng không VN tổ chức.
“Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã kẹt quá rồi trong khi Long Thành (CHK quốc tế Long Thành) nhanh cũng phải 5-7 năm nữa mới có. Trong khi đó, hàng không trong nước không thể dừng bay hay bay ít đi, máy bay mới vẫn liên tục được đưa về. Các hãng bay quốc tế vẫn bay tới Việt Nam”, ông Thành tiếp lời.
Cho biết thêm tại Tân Sơn Nhất, kiểm soát viên không lưu đang điều hành khoảng 40-42 chuyến/giờ cao điểm, ông Thanh nói: “Áp lực với kiểm soát viên không lưu là rất lớn. Tôi muốn nhấn mạnh, dù thế nào đi nữa nhiệm vụ đảm bảo ATGT vẫn là ưu tiên số 1. Không thể vì bất kỳ lý do nào mà giảm các điều kiện an toàn, có thể uy hiếp hoạt động bay”. |
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet Lương Thế Phúc cho rằng, thị trường hàng không phát triển quá nhanh, hạ tầng không theo kịp. Tắc từ mặt đất, tắc lên trời. “Chúng ta không thể kiềm chế sự phát triển được. Không thể bắt Vietjet, Jetstar hay Vietstar Airlines không được đưa máy bay vào”, ông Phúc nói và cho biết thêm, việc họp điều phối giờ hạ cất cánh (slot) được tiến hành biết bao lần nhưng mãi vẫn quanh quẩn dưới 40 chuyến/giờ. Trong khi đó, cứ thêm máy bay như thế này, có lên 45-46 chuyến/giờ cũng vẫn cứ ùn tắc. Không riêng gì Tân Sơn Nhất mà các sân bay địa phương cũng sẽ tắc.
“Với Tân Sơn Nhất, dù có tiếp nhận đất của Bộ Quốc phòng, đường lăn ra, lăn vào vẫn là độc đạo”, ông Phúc nói và cho biết, thời gian này, nhanh cũng phải mất 10-20 phút lăn ở Tân Sơn Nhất. Chậm có thể lên tới 30-40 phút.
Dù cho biết DN mình vẫn đang trong giai đoạn “xin giấy phép, chưa bay nên chưa vướng vào các vấn đề của hàng không” song ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt cũng khẳng định, hạ tầng sân bay là vấn đề căng thẳng nhất hiện nay với ngành Hàng không. “Chúng ta có 21 sân bay, công suất thiết kế 71,15 triệu khách/năm, không bằng công suất của 1 sân bay như: Changi, Kuala Lumpur, Bangkok hay sân bay Bắc Kinh mới… nên khó khăn là đương nhiên”.
Hạ tầng đang cản phát triển
Chia sẻ với những khó khăn của DN, người đứng đầu Cục Hàng không VN - Cục trưởng Lại Xuân Thanh thừa nhận, kết cấu hạ tầng đang “đè nặng” lên sự phát triển của thị trường hàng không.
Trước đó, đại diện TCT Cảng hàng không VN (ACV) - DN đang quản lý khai thác 21 CHK trên cả nước cũng thừa nhận “các hãng hàng không đang kêu rất nhiều về hạ tầng”.
Từ khi thành lập tổng công ty, ACV đã xây dựng, nâng cấp và đưa rất nhiều công trình hạ tầng vào khai thác. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Vị này cũng thừa nhận “khó nhất là Tân Sơn Nhất, 20 cảng còn lại đều có giải pháp, hướng khắc phục”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo, Cục Hàng không VN cũng đã hoàn thành việc trình các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để làm sao đưa công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất lên 40 triệu hành khách/năm, tăng thêm 14 triệu hành khách/năm so với công suất của 2 nhà ga hiện nay.
“Chính phủ đã đồng ý di dời các hoạt động bay quân sự khỏi Tân Sơn Nhất. Đây là điều kiện quan trọng nhất, mở ra hy vọng để nâng công suất thiết kế lên. Chúng ta sẽ có nhà ga lưỡng dụng mới với công suất 10 triệu hành khách. ACV cũng lên kế hoạch mở rộng nhà ga nội địa lên thêm khoảng 4 triệu khách/năm nữa”, ông Thanh cho biết và thừa nhận, ngay cả khi phần bên trong của sân bay đã thông, đường lăn, sân đỗ được giải quyết, vấn đề giao thông tiếp cận Tân Sơn Nhất cũng rất khó khăn.
“Giải phóng mặt bằng, tăng năng lực cho hệ thống giao thông tiếp cận sân bay tại đây là vấn đề nan giải. Nếu không làm mà công suất sân bay cứ nâng lên tới 40 - 45 triệu hành khách/năm, hệ thống giao thông như hiện nay chắc chắn sẽ không thể chịu nổi”, ông Thanh bày tỏ.
“Tôi đã bàn với anh Đinh Việt Thắng (Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN - VATM) và được biết với những giải pháp đồng bộ từ việc hiện đại hóa hệ thống, công nghệ mới, giảm phân cách theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất… có thể nâng năng lực điều hành bay tại Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 chuyến bay/giờ cao điểm. Còn trước mắt đang phấn đấu 45 chuyến/giờ cao điểm”, ông Thanh tiết lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận