Sáng 16/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 21/4/1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển. Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ.
Nổi bật là các quyết định, chương trình, đề án hỗ trợ các tác phẩm báo chí mà gần đây nhất là Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt "Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025".
Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm.
Theo ông Minh, các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải.
Vì vậy, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần xây dựng, tích cực tham luận và đóng góp ý kiến, tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; làm rõ phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
GS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.
Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu bốn giải pháp mở rộng cơ cấu giải, nâng cao chất lượng, và cải tiến quy trình tổ chức giải.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung làm rõ các kết quả nổi bật cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm; đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Các đại biểu cũng đã phát biểu nhiều ý kiến đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận