Chú rùa đáng thương sau khi được giải cứu. (Nguồn: CNN) |
Những nhân viên tại Khu bảo tồn động vật biển South Carolina, Mỹ đang tiến hành chữa trị cho một chú rùa biển luýt quý hiếm. Chú rùa trên bị mắc kẹt tại bãi biển ở phía nam đảo Yawkey, gần Georgetown. Các nhân viên cứu hộ đã phải mất gần 4 giờ để giải cứu chú rùa tội nghiệp, theo Vietnam+.
Theo các nhân viên cứu hộ, chú rùa không có vết thương ngoài da, nhưng bị hạ đường huyết.
Rùa biển luýt không thích hợp với môi trường nuôi nhốt nên ngay sau khi sức khỏe ổn định trở lại nó sẽ được thả về biển.
Rùa biển luýt Leatherback (Dermochelys coriacea) được công nhận là loài rùa biển lớn nhất trên thế giới và là loài bò sát đứng thứ tư về độ lớn sau 3 loài cá sấu khổng lồ.
Tất cả các loài rùa biển di chuyển trong suốt cả năm để phù hợp với tập quán, thức ăn, và nhu cầu nhiệt độ. Nhưng những con rùa biển luýt giữ kỷ lục bởi quãng đường mà chúng đã du hành.
Chúng có thể bơi hơn 10.000 dặm mỗi năm từ châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ để tìm thức ăn gần Washington, Oregon và California. Ấn tượng hơn nữa là tất cả các loài rùa biển có thể tìm thấy đường trở lại bãi biển, nơi chúng được sinh ra và đẻ trứng của mình.
Có thể dễ dàng nhận biết một con rùa luýt so với những giống rùa khác bởi nó không có những chiếc mai rắn chắc che chở cơ thể mà thay vào đó ở vị trí của mai lại được bao phủ bằng lớp da trơn bóng.
Những con rùa luýt cái hàng năm đều trở về bãi biển gần nơi chúng đã nở ra để làm tổ, trong khi những con Leatherback đực không bao giờ rời khỏi biển khơi. Mỗi một lần đẻ, rùa luýt cho khoảng 100 trứng. Trứng sẽ nở sau khoảng 60-70 ngày kể từ ngày chúng được ủ trong cát. Khoảng 85% số trứng được đẻ sẽ nở, tuy nhiên cuộc hành trình tìm về với biển cũng đầy nguy hiểm, gián đoạn bởi lũ kền kền háu ăn.
Những con rùa biển luýt trưởng thành có thể nặng tới hơn 900kg. Thức ăn yêu thích chủ yếu của chúng là sứa biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận