Mỹ Linh cùng con gái Mỹ Anh thể hiện ca khúc "Đưa cơm cho mẹ đi cày" |
Cách mạng "tử tế"ca khúc cách mạng
Với quyết tâm có được một chương trình nghệ thuật tôn vinh dòng ca khúc cách mạng theo hướng hiện đại, hấp dẫn và có tính tương tác, Đài Truyền hình Việt Nam đã “chịu chơi” khi mua bản quyền chương trình Tài sản quốc gia của Nga và Việt hóa thành Giai điệu tự hào.
Giai điệu tự hào có tổ chức bình chọn nhưng trên hết đó không phải là cuộc thi, cuộc đua thắng - thua như những sân chơi ca nhạc khác. Mục đích của chương trình là ngợi ca, tôn vinh các tác phẩm âm nhạc trong tổng thể bao gồm ca khúc, nghệ sĩ biểu diễn, dàn dựng sân khấu và bình luận. Ca sĩ xuất hiện trên sân khấu với vai trò là cầu nối, mang ca khúc đến với khán giả hiện đại. Khán giả nhiều thế hệ dù đồng vọng hay phản biện nhưng đều gặp nhau ở sự “tự hào - xúc cảm - yêu thương”.
"Giai điệu tự hào là dự án nghệ thuật tử tế mà ekip chương trình đam mê đầu tư nhiều công sức. Mỗi khi làm nhạc cho ca khúc nào đó, bên cạnh sự tỉnh táo của người làm nghề còn là sự hồi tưởng cả tuổi thơ lê la theo bố mẹ, ngồi trong cánh gà nghe bố mẹ, các cô chú trong đoàn thể hiện ca khúc ấy”. Nhạc sĩ Quốc Trung |
Trải qua một năm với 11 số phát sóng, Giai điệu tự hào đã gửi tới khán giả truyền hình hơn 70 ca khúc đi cùng năm tháng, trong đó có 22 ca khúc được khán giả tại trường quay và khán giả xem truyền hình bình chọn nhiều nhất.
Giai điệu tự hào đã khiến khán giả truyền hình hòa mình vào ký ức của dân tộc. Nó gợi lại cho những người lớn tuổi những kỷ niệm của một thời hào hùng, nó cũng giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm những bài hát, những giai điệu tự hào của các thế hệ cha anh.
Xem Giai điệu tự hào, nhiều khán giả đã xúc động khi nhìn thấy một cô bé 6 tuổi, trong bộ đồng phục học sinh hát Quốc ca mỗi sáng thứ 2 đầu tuần. Chương trình còn tái hiện lại hình ảnh đoàn Vệ quốc quân trên những con tàu Nam tiến những năm 1945. Tiếng leng keng tàu điện của Hà Nội xưa vang lên trong Giai điệu tự hào đã gợi nhớ về một miền ký ức xa xăm, nhớ về một thời khó khăn, một thời bao cấp với những lo toan vất vả của mẹ cha.
Để khán giả hiểu được vì sao một bài hát sống cùng năm tháng Giai điệu tự hào còn giới thiệu những nhân chứng sống động làm sáng rõ về hoàn cảnh cũng như ý nghĩa ra đời bài hát.
Cuốn hút từ già tới trẻ
Tuy đưa khán giả trở về với kí ức hào hùng một thời của dân tộc nhưng những bài hát trong Giai điệu tự hào lại được thổi vào đó những nét tươi mới qua những thể loại âm nhạc đương đại như rock, hip hop…
Sân khấu, các tiết mục trình diễn trong Giai điệu tự hào được đầu tư dàn dựng kĩ càng tới từng chi tiết, hoành tráng không kém bất kỳ sân khấu ca nhạc nào. Thêm vào đó là phần bình luận, tranh luận của các khách mời khiến cho chương trình thêm hấp dẫn.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Giai điệu tự hào, một chương trình nghệ thuật - bình luận vốn tưởng hàn lâm lại được đông đảo mọi người đón nhận và hưởng ứng, thậm chí một vị khách lớn tuổi còn cho rằng “đây là chương trình số một trong năm”.
Đỉnh điểm là tiết mục song ca Đưa cơm cho mẹ đi cày của mẹ con Mỹ Linh - Mỹ Anh đạt tổng số gần 1 triệu lượt theo dõi trên các kênh chia sẻ video. Số người xem không kém gì các ca khúc hit của các ca sĩ trẻ khác.
Giai điệu tự hào đã làm được một điều mà không phải chương trình nghệ thuật nào cũng làm được đó là nhận được sự yêu mến của từ người già đến trẻ con. Hoàn cảnh khác nhau, tâm thế khác nhau mang đến những suy nghĩ khác nhau, có tranh luận, có phản biện nhưng rồi trong đêm gala mọi người cùng ngồi với nhau để thưởng thức với một tâm thế duy nhất “một người nghe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận