Văn hóa - Giải Trí

Giải mã hiện tượng “bô lão” làm mưa làm gió trên Youtube

02/07/2019, 06:48

Vlog giản dị của những người lớn tuổi nổi lên như một hiện tượng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.

img
Bà Tân Vlog nổi tiếng với những clip thực hiện các món ăn siêu khổng lồ

Khi các bô lão không chuyên gây sốt trên mạng xã hội

Suốt thời gian qua, bà Tân Vlog trở thành từ khóa hot nhất trên mạng xã hội. Chỉ chính thức đăng tải clip từ đầu tháng 5/2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, kênh Youtube này đã có hơn 2,1 triệu người theo dõi. Chủ nhân của kênh là bà Nguyễn Thị Tân, 58 tuổi, ngụ tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Vốn là nông dân chân lấm tay bùn, bà Tân trở thành hiện tượng khi thực hiện những clip nấu ăn với các món ăn siêu khổng lồ như: Cốc trà sữa khổng lồ, nồi lẩu siêu cay khổng lồ, đĩa cơm sườn siêu cay khổng lồ… Đứng sau hỗ trợ bà Tân thực hiện quay và dựng video chính là con trai bà - Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992), cũng là một Youtuber sở hữu kênh Hưng Vlog được yêu thích.

Đáng nói là các video trên kênh Youtube bà Tân Vlog được dựng khá thô sơ, từ bối cảnh tới góc quay, máy quay. Nhân vật chính trong clip cũng mộc mạc với những câu nói quen thuộc và đáng yêu như “Cuộc đời bà 60 nồi bánh chưng”, “Các cháu thấy bà có ngầu không?”… Nhưng có lẽ đó cũng chính là lý do giúp video của bà Tân gây sự tò mò, thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube. Theo Social Blade - trang số liệu thống kê mạng xã hội uy tín hàng đầu thế giới, bà Tân Vlog cũng lọt vào Top 3 kênh Youtube có số lượng người đăng ký theo dõi tăng nhanh nhất thế giới trong 24 giờ.

“Cơn sốt” bà Tân Vlog càng tăng nhiệt khi có sự ăn theo của hàng loạt Vlog ra đời như “bà Sáu Vlog”, “ông 3 Vlog”… và cũng tạo sức hút không kém. Chỉ mới lập vào cuối tháng 5, nhưng hiện tại kênh Youtube “ông 3 Vlog” của ông Đỗ Văn Ba (73 tuổi) đã hút hơn 229,6 nghìn lượt theo dõi. Cũng như bà Tân Vlog, các clip của ông Ba cũng chủ yếu hướng dẫn làm các món ẩm thực miền quê dân dã. Clip hướng dẫn làm hoa quả dầm siêu to của ông Ba đã thu hút hơn 2,1 triệu lượt xem.

Song song những clip “ồn ào” của bà Tân Vlog hay ông 3 Vlog, lại có những kênh Vlog khác không có lời mời chào xem clip từ nhân vật chính mà chỉ lặng lẽ, nhưng cũng đình đám không kém là “Ẩm thực mẹ làm”. “Ẩm thực mẹ làm” gần như mang một màu sắc riêng biệt giữa những Vlog của những người lớn tuổi.

Các clip của kênh được cộng đồng mạng đánh giá cao bởi sự đầu tư chỉnh chu, tỉ mỉ trong từng góc máy, cảnh quay và mang tới nhiều cảm xúc rung động. Chủ nhân của kênh là bà Dương Thị Cường (55 tuổi) làm nghề nông. Những clip của kênh có nội dung chủ yếu là những câu chuyện thường ngày của bà Cường ở miền quê, đồng thời giới thiệu các món ăn dân dã vùng nông thôn, dễ đưa người xem nhớ về quê hương của mình. Các clip do con trai bà Cường là Đồng Văn Hùng thực hiện quay và dựng rồi chia sẻ lên Youtube. Thời điểm hiện tại, kênh cũng sở hữu hơn 145.000 lượt theo dõi và các clip đều thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Trào lưu nào rồi cũng lắng xuống

img
Một hình ảnh gần gũi trong Vlog "Ẩm thực mẹ làm"

Không thể phủ nhận “sức nóng” từ các Vlog của những người lớn tuổi thời điểm hiện tại, cũng như những ý nghĩa mà chúng mang lại. Khi Vlog của người trẻ chốn phố thị có xu hướng chững lại bởi sự tăng lên về số lượng nhưng đồng với chất lượng, những Vlog bình dị lên ngôi cho thấy cộng đồng mạng đang “khát” những điều mộc mạc, thân quen. Đồng Văn Hùng - người thực hiện kênh “Ẩm thực mẹ làm” tâm sự, anh muốn xây dựng hình ảnh một người mẹ nông dân tần tảo và các món ăn đồng quê quen thuộc, dân dã do chính tay mẹ nấu với những hình ảnh và góc quay bình dị nhất. Kênh của anh hướng tới sự bình yên với ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, không ồn ào tấp nập của cuộc sống thành thị và mong chạm tới trái tim của những người con xa nhà, xa quê hương.

Hùng cho biết, để đi được đường dài là cả sự cố gắng mỗi ngày của cả anh và mẹ. Mỗi clip anh thực hiện chỉ khoảng 6-7 phút nhưng thường phải mất 4-6 ngày mới xong. Mỗi tháng, anh chỉ làm khoảng 4 clip để có thời gian đầu tư, chăm chút kỹ hơn cho sản phẩm của mình. Đồng Văn Hùng thừa nhận, anh áp lực bởi câu chuyện mỗi ngày sẽ phải hay hơn, kĩ hơn, áp lực về sự kì vọng của người xem cho các clip tiếp theo. “Lúc nào mệt, tôi lại nghỉ ngơi rồi làm tiếp, tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa. Người xem thường sẽ kì vọng về các clip sau rất lớn và số người theo dõi cũng ngày càng tăng lên. Do đó, tôi sẽ phải duy trì phong độ và tính kiên trì, cố gắng của mình”, chủ nhân của kênh “Ẩm thực mẹ làm” bộc bạch.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên những clip như trên tạo thành hiện tượng và có cả một trào lưu ăn theo. Bởi lẽ, các clip này đã thay đổi một xu hướng hiện đại đang dần trở nên nhàm chán của xã hội, quay trở về những thứ dân dã của những người dân hiền lành, hồn hậu. Điều đó cho thấy lâu nay, xã hội chúng ta đang thiếu vắng những màu sắc mang âm hưởng dân gian giản dị, gần gũi vì xã hội đang ngày một hiện đại, cơ học hơn.

Theo PGS. Trịnh Hòa Bình, xu hướng những cô cậu đứng đằng sau các ông bố, bà mẹ để chủ trương làm những clip độc đáo, khác thường như thế này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh, nhưng không có tính bền vững. “Những hình ảnh này có sức sống mới, tươi tắn nhưng rồi cũng sẽ trở nên sáo mòn, buộc những người làm clip phải động não để kiếm tìm những phương thức biểu đạt mới. Họ sẽ hướng tới không chỉ để thu hút sự chú ý của cộng đồng mà còn cả thu nhập nữa”, ông nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.