Cuối năm, các giải thưởng nghệ thuật đã bắt đầu rục rịch đi tìm những ứng viên xứng đáng để vinh danh.
Trong đó, giải Mai Vàng ở năm thứ 27 có những yếu tố mới, phần nào phản ánh thực trạng một năm làng giải trí bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Phương Oanh, Mạnh Trường lần đầu có đề cử ở giải Mai Vàng
Ít hoạt động nghệ thuật, thiếu sự đa dạng
Giải thưởng Mai Vàng lần thứ 27 vừa công khai những hạng mục và danh sách những cái tên lọt vào vòng bầu cử năm 2021.
Theo đó, 12 hạng mục được đề cử gồm: Ca sĩ hát nhạc nhẹ; Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca - truyền thống cách mạng; Ca khúc; MV (Music video); Diễn viên sân khấu - truyền hình; Diễn viên hài; Vở diễn sân khấu - truyền hình; Nam/Nữ diễn viên điện ảnh - phim truyền hình; Bộ phim điện ảnh - truyền hình; Người dẫn chương trình (MC); Chương trình truyền hình.
Có thể thấy, giải thưởng năm nay đã có sự thay đổi khi rút gọn hạng mục. Trong những năm gần nhất, Mai Vàng từng có 15 hạng mục vào năm 2019, rút xuống còn 13 hạng mục năm 2020 và năm nay chỉ còn con số 12.
Đã không còn tách riêng các hạng mục Nam/nữ ca sĩ, hay Nam/nữ diễn viên sân khấu mà gộp chung. Chưa kể, số lượng đề cử được đưa ra cũng khá thấp.
Có những hạng mục đủ 5 đề cử (Ca sĩ nhạc nhẹ, Bộ phim truyền hình - điện ảnh), còn lại các hạng mục chỉ có 3 - 4 đề cử.
Thậm chí, hạng mục Diễn viên hài chỉ có 2 đề cử cho Lâm Vỹ Dạ (vai Robot, Táo quân 2021 - VTV) và Hồng Trang (vai Tý, vở “Mong ước đêm trăng”).
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (thành viên Hội đồng nghệ thuật của Mai Vàng), điều này cho thấy sức tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động biểu diễn, nghệ thuật lớn tới mức nào.
Năm qua, hầu hết các chương trình nghệ thuật, biểu diễn đều bị hủy bỏ. Các sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ cũng không nhiều. Chủ yếu là các sự kiện, chương trình nghệ thuật tổ chức online.
Các đề cử được đưa ra dựa trên phiếu bầu của công chúng. Sau đó, Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn những tác phẩm/gương mặt/chương trình có ý nghĩa, chất lượng tốt nhất trong số đó để làm đề cử chính thức.
Dù vậy, ông đánh giá các nghệ sĩ làm sản phẩm online ngày càng tốt hơn, thậm chí cả nghệ sĩ cải lương.
Cùng đó, hàng loạt gương mặt mới cũng xuất hiện lần đầu tại giải Mai Vàng như: Diễn viên Mạnh Trường, Phương Oanh, ca sĩ Vicky Nhung, Phùng Khánh Linh, MC Nguyên Khang…
NSND Tạ Minh Tâm cho rằng, những đề cử này chỉ là lựa chọn dựa trên những bình bầu của khán giả. Do đó, các đề cử không phản ánh toàn bộ bộ mặt của làng nghệ thuật trong năm qua, cũng chưa đủ để đánh giá giá trị chung của nghệ thuật biểu diễn trong năm 2021.
“Năm qua trong mùa dịch có nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật tốt và ý nghĩa. Tuy nhiên, có nhiều hoạt động mà khán giả không chú ý, không giới thiệu và bầu vào nên không nằm trong danh sách đề cử. Nếu độc giả tăng số lượng bình bầu, có nhiều đề cử hơn thì kết quả các gương mặt trong vòng bầu chọn sẽ lại khác hơn”, NSND Tạ Minh Tâm thổ lộ.
Xem xét giải thưởng cho các hoạt động cộng đồng
Năm qua, xuất hiện nhiều hoạt động nghệ thuật, chương trình mang tính cộng đồng
Năm 2020, Mai Vàng lần đầu tiên xuất hiện giải thưởng Nghệ sĩ vì cộng đồng, vinh danh hai gương mặt là nghệ sĩ Hoài Linh và MC Đại Nghĩa với những hoạt động tích cực cho công tác cộng đồng.
Năm nay, Hội đồng Nghệ thuật và Ban Tổ chức Mai Vàng đã đề xuất thêm giải thưởng trong bối cảnh một năm khá đặc biệt.
Cụ thể, ba giải thưởng được đề xuất gồm: Giải thưởng Tác phẩm Văn hóa Nghệ thuật xuất sắc (trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, MV ca nhạc - cải lương lan tỏa tinh thần đoàn kết chống dịch Covid-19 và ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu); Giải thưởng Nghệ sĩ vì cộng đồng; Giải thưởng chương trình nghệ thuật xuất sắc phục vụ cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Điểm đặc biệt, ba giải thưởng này không phải dựa trên bình bầu của công chúng. Theo Ban Tổ chức, đã có 14 MV ca múa nhạc, cải lương; 2 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; 3 chương trình nghệ thuật; 3 cá nhân nghệ sĩ và 2 tập thể được Hội đồng Nghệ thuật tư vấn, chọn lựa dựa trên những tiêu chí về mọi mặt từ kịch bản, hình thức dàn dựng, sức lan tỏa trong cộng đồng...
Sau đó, Ban Tổ chức sẽ dựa trên những đánh giá để bầu chọn giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật vì cộng đồng và cá nhân, tập thể vì cộng đồng xứng đáng nhận giải trong buổi Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 27 - 2021.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, việc đưa ra những giải thưởng như thế này cho mùa giải cuối năm là hợp lý, thể hiện sự đặc trưng cho một năm đặc thù.
Bởi, “đó là những sản phẩm động viên người dân vượt qua đại dịch, truyền tải những tinh thần tích cực, lạc quan trong cuộc sống”.
“Đối với các sản phẩm âm nhạc trên nền tảng online, nhiều MV - cả những MV có nội dung về Covid-19 - đều làm rất tốt về mặt hình ảnh và kỹ xảo, nhất là của những nghệ sĩ trẻ. Nhưng phần âm nhạc, nhiều sản phẩm nghe xong không đọng lại ấn tượng. Đó là sự phổ biến trong bộ mặt âm nhạc năm qua, cũng là điều phải cân nhắc nhiều để có thể chọn ra tác phẩm ý nghĩa để vinh danh”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.
Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Ban tổ chức giải Mai Vàng chia sẻ, đây không phải những hạng mục thường xuyên của Mai Vàng nên các giải thưởng này mới được đề xuất để xem xét chứ chưa quyết định.
“Tất nhiên, chúng tôi vẫn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu cho tất cả giải thưởng và đề cử”, ông Liêm khẳng định.
Mai Vàng là giải thưởng thường niên do báo Người Lao Động tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ sĩ, tác phẩm, chương trình truyền hình được yêu thích nhất do bạn đọc đề cử và bầu chọn.
Căn cứ vào số phiếu đề cử của bạn đọc, Ban Tổ chức sẽ quyết định đưa các đề cử nào vào vòng bầu chọn. Mỗi hạng mục không quá 5 ứng viên.
Vòng bầu chọn sẽ diễn ra từ ngày 8/12/2021 đến hết ngày 7/1/2022. Dự kiến, lễ trao giải Mai Vàng 2021 sẽ diễn ra tối 13/1/2022 tại Nhà hát TP.HCM và truyền hình trực tiếp trên VTV9.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận