Giải ngân chưa cải thiện, thấp hơn năm ngoái
Báo cáo mới nhất về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay (phục vụ cuộc họp với thủ tướng Chính phủ ngày 12/9) từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể.
Theo Bộ này, một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế…Dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%).
Bộ Tài chính chỉ ra một số bộ, cơ quan trung ương trong 8 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt con số dưới 10%. Cụ thể, Bộ Y tế chỉ đạt 4,17%, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%, Thanh tra Chính phủ 6,79%...
Ngoài vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, xây dựng...thì giá nguyên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội, ... con số giải ngân cũng chỉ dưới 15% kế hoạch.
Những nguyên nhân tồn tại đã lâu được Bộ KH&ĐT này nhắc đến như: Vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật chuyên ngành về đất đai, xây dựng, ngân sách nhà nước, môi trường,... công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, thủ tục mất nhiều thời gian, công tác quản lý dự án còn nhiều bất cập, vẫn chậm được xử lý.
Cụ thể, thể chế, chính sách điều chỉnh hoạt động dự án đầu tư công còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, nhất là các chính sách về đất đai, tài nguyên môi trường, NSNN (ngân sách nhà nước), công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công.
Về lĩnh vực đất đai, việc xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các Luật còn chưa thống nhất. Một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Với lĩnh vực NSNN và công sản, có một số vướng mắc liên quan đến chuyển giao tài sản công và sử dụng ngân sách. Lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, đầu tư công gặp một số vướng mắc về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập,..
Với tỷ lệ giải ngân trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với tổng số vốn giải ngân năm 2022 trên 500.000 tỷ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó mà về đích…
Cần mạnh tay xử lý người đứng đầu?
Trước tình hình này, Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công…
Bộ này cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu, dù được đề cập nhiều lần, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý. Vì thế, cần mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng dầu, không để tình trạng chậm giải ngân năm nào cũng tiếp diễn, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ với Báo Giao thông.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án…điều này cũng đã thể hiện phần nào năng lực lãnh đạo và trách nhiệm từ địa phương.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để xử lý được người đứng đầu thì cần phải quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để làm cơ sở xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Bất cập hiện nay được vị chuyên gia nhắc đến là, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, khiến cho tình hình dù vốn không giải ngân được cũng không chỉ rõ được cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, vẫn có hiện tượng “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công.
Sợ trách nhiệm ở đây cũng xuất phát từ những bất cập trong cách giao việc cho từng cá nhân, địa phương.
“Bởi vậy, tôi cho rằng, cần quyết liệt hơn khi năm nay mục tiêu giải ngân không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Bên canh đó, cần đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các cấp. Từ đó, quyết định luân chuyển, điều động, kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Sáu Tổ công tác vừa được Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Tổ công tác đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương ngay trong những ngày cuối tháng 8/2022 để sớm giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng, đường ven biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận