Bộ Tài chính cho biết giải ngân nguồn đầu tư công 11 tháng mới đạt 41%. Ảnh: PH
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết 30/11, giải ngân nguồn đầu tư công của ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương dù đã tăng nhưng mới đạt 41% so với dự toán.
Tỷ lệ này được đánh giá là thấp so với mục tiêu đề ra bởi trước đó phần lớn các đơn vị cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đạt tỷ lệ giải ngân từ 90% trở lên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương cũng chỉ đạt tỷ lệ 38% so với dự toán được giao, 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy và giải ngân được 76% dự toán 2019 được chuyển nguồn, kéo dài.
Ông Vũ Thanh Liêm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kế hoạch vốn sau khi được điều chỉnh của bộ này là 1.830 tỷ đồng và đến ngày 30/11 giải ngân của tất cả 18 dự án đã đạt 763 tỷ đồng (41,7% khối lượng được giao). Bộ này tính toán, đến 30/1/2021, khối lượng cam kết thực hiện sẽ đạt khoảng 1.648 tỷ đồng và đạt 90-94% kế hoạch (sau điều chỉnh).
Còn theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 30/11 Bộ này đã giải ngân vốn ODA được 945 tỷ đồng trên tổng số1.954 tỷ đồng kế hoạch (đã điều chỉnh), đạt 48,36% kế hoạch… Đến ngày 31/12, Bộ này cam kết sau khi các dự án lớn rút vốn thuận lợi, giải quyết các vướng mắc bộ sẽ giải ngân từ 90-95% nguồn vốn.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đã giải ngân 65% kế hoạch vốn được giao sau khi điều chỉnh là 656 tỷ đồng.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (dự toán đã điều chỉnh) là Hà Nội, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về phía Bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải năm nay cũng đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao, trên 70%. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kế hoạch vốn được giao của Bộ là 6.131 tỷ đồng, đến nay Bộ đã giải ngân 4.648 tỷ đồng (chiếm khoảng 76%). Bên cạnh đó, vốn đối ứng cũng đạt cao hơn 83,4%.
Thứ trưởng Đông chia sẻ, Bộ Giao thông Vận tải xác định những vướng mắc đều nằm ở khâu thủ tục nên Bộ tập trung giải quyết vấn đề này. Nhờ đó kết quả giải ngân có nhiều thuận lợi.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt là các Ban Quản lý dự án đã nêu cao vai trò trách nhiệm, không thực hiện được kế hoạch giải ngân sẽ phải chịu trách nhiệm và bị đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm.
Chỉ ra một số nguyên nhân khiến cho việc giải ngân chậm nói chung như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng…, Bộ Tài chính cho biết thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công 2020 không còn nhiều trong khi số vốn vay ưu đãi của nước ngoài còn khá lớn.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Sau khi rút vốn, hồ sơ ghi thu ghi chi phải gửi để Kho bạc Nhà nước hoàn thành việc hạch toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/1/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận