Ngổn ngang công trường
Một buổi sáng đầu tháng 4/2023, có mặt trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn nhánh phía Tây qua TP.HCM, Long An, ghi nhận của PV Báo Giao thông, các gói thầu đã thi công cơ bản hoàn thành phần kết cấu, còn lại các hạng mục hoàn thiện.
Tuy vậy, do thời gian ngừng thi công kéo dài nên nhà thầu đã rút hết nhân công, máy móc, đường công vụ cỏ hoang mọc um tùm. Nhiều đoạn thi công hoàn thành các tấm chống lóa lắp trên dải phân cách cũng bị kẻ gian tháo dỡ.
Một đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành phía Tây đã cơ bản hoàn thành.
Tương tự, các gói thầu J1, J2, J3 (nguồn vốn JICA) trên công trường cũng vắng bóng công nhân, kỹ sư.
Theo kế hoạch các gói thầu A5, A6, A7 qua Đồng Nai sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023 nhưng không khí thi công khá trầm lắng. Từ QL51 rẽ vào công trường, chạy dọc tuyến đến cầu Thị Vải, qua huyện Long Thành, Nhơn Trạch, phần cầu cạn đi xuyên rừng đước đã cơ bản hoàn thành.
Trên cầu vượt cạn hơn 5km đã thi công xong phần thô, các hạng mục thảm nhựa mặt đường, khe co giãn chưa được thi công. Tại cầu Thị Vải, nhà thầu đang đóng cọc khoan nhồi, kết cấu phần dưới.
Tại gói thầu A7 (huyện Long Thành) đoạn kết nối QL51 đến bờ sông Thị Vải, mặt bằng dù đã được bàn giao từ nhiều tháng trước, nhưng tới nay, nhà thầu mới thi công đến hạng mục cấp phối đá dăm. Các mũi thi công đường nhánh, nút giao dọc tuyến cũng đang được thực hiện.
“Theo hợp đồng, đến tháng 6/2023, gói thầu A7 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, thời gian qua tiến độ giải ngân chậm lại, nhà thầu đang làm việc với Bộ Tài chính để sớm giải ngân vốn dự án để đẩy nhanh tiến độ”, ông Nguyễn Thiện Đạt, Giám đốc phụ trách thi công gói thầu A7 thông tin.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam cho hay, trong 3 gói thầu qua Đồng Nai, gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành, gói A7 đang thi công đạt tiến độ 80%. Riêng gói thầu A6 đã chấm dứt hợp đồng.
Đối với các gói thầu nguồn vốn JICA đang đấu thầu trở lại, gói J1 dự kiến nhà thầu sẽ thi công trở lại trong tháng 7/2023. Với gói J3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang làm việc với JICA để chốt lại các vấn đề liên quan đến công tác lựa chọn lại nhà thầu.
Theo đại diện Ban Đầu tư xây dựng thuộc VEC, bên cạnh các gói thầu A2-1, A3, A5 đã hoàn thành, gói thầu A7 đang thi công, công tác lựa chọn nhà thầu mới đối với gói thầu A6 cũng đã hoàn thành và bắt đầu thi công từ tháng 4/2023, Gói J1 đã tái thi công trở lại.
“Các gói A1, A2-2, A4, J3, A8 phụ thuộc vào việc Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án mới phát hành hồ sơ mời thầu, tiến tới tái khởi động thi công”, vị này nói.
Tự cân đối thêm 6.000 tỷ đồng
Thi công cầu Thị Vải cao tốc Bến Lức – Long Thành
Tìm hiểu của PV, để tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 3/4/2023, Bộ GTVT tiếp tục có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Hai vấn đề trọng tâm được đề xuất điều chỉnh là gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2025 và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, trong đó giảm ngân sách Nhà nước, giảm vốn vay ADB. Thay vào đó, VEC được sử dụng nguồn vốn hiện có của mình để đầu tư.
Đại diện Ban Đầu tư xây dựng (VEC) cho biết, trường hợp đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, VEC sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng và các gói thầu xây lắp khác; Xin gia hạn thời gian thực hiện một số gói thầu (Gói J1 - thi công cầu Bình Khánh, Gói C5 - Tư vấn giám sát thi công phần JICA tài trợ) để làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng.
Công tác mời thầu thi công các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng gồm A1, A2-2, A4, J3, gói thầu mới A8 - Nhà trạm thu phí cũng sẽ được thực hiện.
Liên quan đến nguồn vốn triển khai dự án, từ năm cuối năm 2018, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong nước được điều chỉnh, thay đổi, dự án không được bố trí vốn ngân sách; vốn vay ADB không được thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn này, VEC đã đề xuất tự bố trí nguồn vốn hiện có của VEC để đầu tư vào dự án thay thế vốn ngân sách Nhà nước và một phần vốn ADB.
“Đây là nguồn tiền tích lũy từ các nguồn hợp pháp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VEC”, đại diện VEC nói và cho biết, theo đề xuất, tổng số vốn VEC dự kiến bố trí là hơn 7.500 tỷ đồng.
Trong đó, 6.000 tỷ đồng dành cho giai đoạn 2023 - 2025, mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục còn lại chưa hoàn thành. Đồng thời, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng dành để đầu tư hoàn thiện một số hạng mục nâng cao khả năng kết nối của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác.
Phần còn lại là các khoản VEC đã chi, cần đưa vào trong tổng mức đầu tư khoảng 1.546 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề đưa nguồn vốn này vào dự án có thể làm lỡ kế hoạch trả nợ của VEC khi đến thời hạn thanh toán các khoản vay hiện tại?
Đại diện VEC khẳng định kết quả tính toán lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành) tại các năm luôn dương, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định và hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Đánh giá về khả năng cân đối vốn của VEC, theo Bộ GTVT, tính đến ngày 31/12/2022, VEC đang quản lý khoảng 10.700 tỷ đồng, đây là khoản tiền của doanh nghiệp được tích lũy từ các nguồn vốn kể từ khi VEC bắt đầu khai thác các dự án đến nay. Trên cơ sở báo cáo của VEC, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát, đánh giá phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC là phù hợp tại thời điểm hiện nay.
Nỗ lực hòa giải, giảm thiệt hại do khiếu kiện
Một vấn đề khác liên quan đến dự án này, do không có vốn để thực hiện, phải dừng thi công nên một số nhà thầu đã khởi kiện tranh chấp với VEC để yêu cầu bồi thường các chi phí phát sinh trong thời gian dừng chờ tại các gói thầu: A1, A3, A6, J1 và J3. Hiện tại, gói A1 và J3 đã khiếu nại đến SIAC, các gói còn lại đang ở giai đoạn khiếu nại đến Tư vấn giám sát. Về chi phí bồi thường, số tiền nhà thầu khiếu nại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
“Đối với các nhà thầu chưa khiếu nại đến SIAC, VEC đang nỗ lực hòa giải trên nguyên tắc giảm thiểu các thiệt hại cho cả hai phía. Với các gói thầu đã khiếu nại đến SIAC, VEC đã lựa chọn đơn vị tư vấn luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Sau khi có kết quả hòa giải/kết quả của trọng tài, VEC sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo”, đại diện Ban Đầu tư xây dựng (VEC) thông tin.
Được biết, trong 6.000 tỷ đồng VEC đề xuất bố trí cho dự án từ nguồn vốn tích lũy, hơn 840 tỷ đồng được dự kiến cho chi phí tranh chấp của các nhà thầu do dự án không được bố trí vốn, phải dừng chờ thi công kéo dài.
Theo Quyết định số 5096 ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT phê duyệt tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của dự án Bến Lức - Long Thành, tổng mức đầu tư dự án là 31.320 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB là hơn 13.654 tỷ đồng; Vốn vay JICA hơn 11.975 tỷ đồng; Vốn đối ứng hơn 5.689 tỷ đồng.
Theo đề xuất điều chỉnh, tổng mức đầu tư cập nhật đến thời điểm hiện nay là 30.073 tỷ đồng (giảm 1.247 tỷ đồng).
Trong đó, vốn vay ADB là hơn 8.065 tỷ đồng (giảm hơn 5.588 tỷ đồng); Vốn vay JICA hơn 10.587 tỷ đồng (giảm hơn 1.388 tỷ đồng); Vốn đối ứng đã giải ngân từ khi bắt đầu triển khai dự án đến hết năm 2018 là hơn 3.872 tỷ đồng (giảm hơn 1.800 tỷ đồng); Vốn VEC tự bố trí từ dòng tiền tích lũy của doanh nghiệp là hơn 7.500 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào tháng 7/2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019, do gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vốn nên dự án nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận