Chất lượng sống

Giải pháp nào phát triển BHXH tự nguyện?

20/12/2018, 07:30

Với mục tiêu giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

15

Thiết kế chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện mức đóng

Mở rộng BHXH tự nguyện có khả thi?

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Để mọi công dân đều được đảm bảo an sinh xã hội” tổ chức sáng 18/12, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ, TB&XH cho hay, theo Luật BHXH 2014, căn cứ quy định đóng BHXH trên Hợp đồng lao động đó là tiền lương, do đó có một nhóm lao động, ví dụ như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, lao động linh hoạt, không được hưởng tiền lương, tiền công không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo thống kê, chủ hộ kinh doanh cá thể có 3 triệu hộ đăng ký kinh doanh, nếu chúng ta đưa nhóm vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc sẽ gia tăng độ bao phủ của BHXH. Đặc biệt, đây là nhóm đối tượng có nhu cầu rất lớn tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Theo ông Giang, đối với lao động khu vực phi chính thức có hình thức lao động linh hoạt, khi thiết kế chính sách đối với lao động khu vực phi chính thức cũng cần hết sức linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mức đóng, phương thức đóng chứ không như bảo hiểm bắt buộc. Chính vì thế, trong Nghị quyết 28 của Trung ương đã có điều chỉnh rất rõ là nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt cho khu vực phi chính thức để phù hợp với mức đóng, phương thức đóng của người lao động khu vực phi chính thức khi tham gia.

Còn theo nhìn nhận của ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, mặc dù BHXH Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn rất thấp so với yêu cầu. Những nguyên nhân, khó khăn đầu tiên là vấn đề về nhận thức, đây là vấn đề không chỉ của những người tham gia mà còn của cả những cá nhân, tổ chức có vai trò tổ chức thực hiện chính sách này, từ các cấp quản lý chính sách đến các cấp tổ chức thực hiện ở các địa phương. Thứ hai là một số tồn tại, vướng mắc, bất hợp lý trong chính sách, ví dụ như thời gian để người tham gia có thể được hưởng chế độ hưu trí; hay vướng mắc trong quy định về thu chi cứng nhắc,…

Một tồn tại, khó khăn nữa của cơ quan tổ chức thực hiện, cụ thể là của BHXH Việt Nam. Về mặt thủ tục, có thể nói BHXH Việt Nam đã đơn giản hóa tối đa với người tham gia, tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cách thức tổ chức để tiếp cận, vận động người dân còn có vấn đề. Cách thức để tiếp cận các nhóm đối tượng khác nhau, có nhu cầu và điều kiện khác nhau thì BHXH Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được cách tiếp cận phù hợp.

Giải pháp mở rộng BHXH tự nguyện

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, báo cáo đánh giá tổng kết của BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm, số người vào hệ thống BHXH là 800 nghìn, nhưng cũng khoảng 600 nghìn người ra khỏi hệ thống.

“Theo quy định của Luật BHXH, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho hộ khác. Đây là giải pháp. Nhưng tôi nghĩ rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ thì Nhà nước phải suy nghĩ cần hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn”, ông Lợi cho hay.

Theo ông Lợi, bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục, vận động, hướng dẫn để người dân thấy được lợi ích mục tiêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước với chính sách an sinh xã hội. Trong đó, BHXH là một trong những trụ cột quan trọng. Người dân phải hiểu, đóng vào bao nhiêu, hưởng thế nào, quyền lợi ra sao. Tuy nhiên, quan trọng không chỉ nhìn lương hưu, mà còn có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe bản thân khi hết tuổi lao động. Thẻ BHYT có tính chất rất quan trọng, quyết định cho người dân. Cơ quan quản lý nhà nước BHXH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để làm sao nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bởi hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện khi đến tuổi nghỉ hưu chỉ hưởng hai chính sách: Hưu trí và tiền tuất. Cần nâng thêm về chế độ thai sản... Tạo ra độ hấp dẫn, thiết tha với BHXH tăng lên.

“Nhiều người nói rằng, tham gia BHXH không bằng tiết kiệm, quá nguy hiểm. BHXH là quỹ do Nhà nước quản lý tập trung tại T.Ư và Nhà nước bảo hộ quỹ này, khi quỹ này bị biến động, nếu chỉ số CPI mà làm giá trị tiền lương hưu không bảo đảm cuộc sống thực tiễn, Nhà nước phải điều chỉnh. Vì vậy, công chức được nâng lương 7% thì lương hưu cũng tăng lên 7%”, ông Lợi nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.