Dự án BOT QL6 đoạn Xuân Mai (Hòa Bình) đã đưa vào khai thác và thu phí từ lâu nhưng vẫn chưa quyết toán xong - Ảnh: Thùy Sinh |
Thời gian tới, Bộ GTVT tập trung khắc phục tình trạng cho thu phí trước khi quyết toán dự án; Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đô thị.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa |
Phạt nghiêm dự án BOT chậm quyết toán
Báo cáo về tình hình quyết toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, đến nay đã có 53 dự án (gồm 50 dự án BOT và 3 dự án BT) hoàn thành, nhưng chỉ có 29 dự án trình báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, đạt 55%. Đối chiếu với kế hoạch được giao đến tháng 9/2016, có 11 dự án Ban QLDA chậm trình nộp quyết toán về Bộ.
Trong tổng số 33 dự án hoàn thành phải thực hiện thẩm tra đến nay mới thẩm định, thẩm tra dự toán được 16 dự án BOT. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ công tác phê duyệt dự toán và quyết toán, tiến độ lập và trình báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của nhà đầu tư, ban QLDA. Đặc biệt, trong số 11 dự án BOT chậm quyết toán nêu trên, có bốn dự án BOT có điều khoản xử phạt chậm quyết toán trong hợp đồng gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai và Dự án QL6 đoạn Xuân Mai (Hòa Bình). Do vậy, kiến nghị giao Ban PPP chủ trì tham mưu quyết định xử phạt các nhà đầu tư này theo các điều khoản cụ thể trong hợp đồng BOT đã ký.
"Không thể để tình trạng cho thu phí xong rồi quyết toán. Như thế, các nhà đầu tư sẽ không có quyết tâm làm thanh quyết toán." Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa |
Lý giải nguyên nhân khiến tiến độ quyết toán các dự án BOT chậm, ông Quốc cho rằng, các chế tài xử phạt theo các quy định trên chưa đủ mạnh và đủ tính răn đe nên nhiều nhà đầu tư chưa trình quyết toán dự án BOT theo đúng thời hạn quy định. Từ thực tế trên, ông Quốc đề xuất: “Cần quyết liệt và kiên trì bám để đưa chế tài phạt vào điều chỉnh trong Nghị định 15/2015/NĐ-CP đảm bảo đủ mạnh và đủ tính răn đe”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay, có những dự án BOT đã hoàn thành, thậm chí đã hết cả thời gian thu phí nhưng chưa quyết toán được. “Một lần nữa, chúng tôi đề nghị các đồng chí tập trung vào công tác thanh quyết toán các dự án này. Đối với các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ, không đảm bảo đúng tiến độ quy định, cương quyết dừng thu phí”, Bộ trưởng nói và cho biết, tới đây, các dự án BOT chưa đến thời hạn thu phí, Bộ GTVT yêu cầu phải quyết toán xong mới được thu phí.
>>> Xem thêm video:
Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các thứ trưởng - Ảnh: Tạ Tôn |
Ưu tiên chống ùn tắc giao thông đô thị
Tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội liệt kê nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Theo ông Viện, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, kéo giảm ùn tắc nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. “9 tháng đầu năm, thành phố giải quyết được 13/44 điểm ùn tắc nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ ùn tắc lớn. Điển hình như vụ ùn tắc tại cầu Tó kéo dài bốn tiếng vừa qua”, ông Viện dẫn chứng.
Theo ông Viện, tới đây Hà Nội sẽ tập trung triển khai quản lý phương tiện cá nhân. Lãnh đạo TP Hà Nội coi đây là yêu cầu tất yếu. “Phải nói cho rõ là quản lý chứ không phải cấm. Phương tiện cá nhân ở đây là cả xe máy và ô tô. Chúng ta sẽ có cả phương án hành chính là cấm ở một số tuyến đường còn lại là một số biện pháp kinh tế như thu phí và một số chính sách khác”, ông Viện nói và cho rằng, vừa qua báo chí phản ánh nhiều nhưng chỉ nêu một số điểm chứ không phân tích toàn bộ đề án.
"Tổng cục Đường bộ VN đang thực hiện thí điểm chuyển tuyến vận tải khách cố định Hà Nội - Hải Phòng thành tuyến buýt. Đến nay, việc cắm các biển dừng đón khách trên tuyến đã được hoàn thành. Dự kiến ngày 10/10 sẽ vận hành thử và tiến hành kiểm tra. Tiến tới tất cả các tuyến vận tải liên tỉnh có cự ly từ 150km trở lại sẽ chuyển hết thành các tuyến buýt để chống tình trạng xe hợp đồng đội lốt xe khách tuyến cố định và xe dù." Ông Nguyễn Văn Huyện |
“Trong khi tại đề án này, chúng tôi nêu ra yêu cầu là phải đi trước một bước việc phát triển giao thông công cộng tương ứng mới hạn chế được xe cá nhân, vừa đảm bảo ùn tắc, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Nếu chúng ta không kiên quyết làm đồng bộ các giải pháp, 5 năm nữa việc đi lại ở Hà Nội sẽ rất khó khăn”, ông Viện lý giải.
Tương tự, đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, số xe cơ giới tăng nhanh gây quá tải, nhất là cao điểm. Vì vậy, ùn tắc vẫn diễn ra nghiêm trọng, trong khi việc phát triển giao thông công cộng gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau phần phát biểu của lãnh đạo Sở GTVT hai thành phố lớn, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu cả hai địa phương cần tăng cường giải pháp phát triển giao thông công cộng. Theo Bộ trưởng, đó mới là giải pháp lâu dài, bền vững. Về vấn đề đảm bảo trật tự ATGT, chống ùn tắc, Bộ trưởng đề nghị, cần quan tâm hơn về phương thức vận tải và các điểm giao nhận hàng hóa.
“Như tại TP.HCM, cảng Cát Lái là điểm ùn tắc kéo dài, đã đến lúc phải giảm bớt lượng hàng hóa ở đây chưa, nhất là khi đã có cảng Thị Vải?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Đề cập tới công tác quản lý phương tiện vận tải tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa gợi ý: “Sở GTVT Hà Nội có nêu việc quản lý các phương tiện ô tô, xe máy. Cần cân nhắc kỹ thời điểm để hạn chế trong biện pháp quản lý, đăng ký phương tiện mới. Ngay như Bộ GTVT, tới đây, có khi phải đấu thầu chỗ đỗ xe trong sân để hạn chế việc sử dụng xe cá nhân. Bộ sẽ làm đầu mối thử và chúng ta cũng nên thí điểm cái này”.
9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng 15/16 dự thảo VBQPPL và đề án, hoàn thành 93,8%. Về xây dựng cơ bản, đã hoàn thành 44 công trình, dự án để đưa vào khai thác, hoàn tất công tác chuẩn bị triển khai thi công 13 công trình, dự án. Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về công tác đầu tư KCHTGT theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015; Nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đến năm 2020. Đối với dự án CHK quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù về công tác GPMB cho dự án. Tình hình TNGT 9 tháng năm 2016 tiếp tục giảm trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 7,64% số vụ, giảm 2,02% số người chết và giảm 11,48% số người bị thương. |
Khẩn trương khởi công các dự án vốn dư QL1, QL14 Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu, đối với việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, các cơ quan cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Trong tháng 9 và tháng 10/2016, tất cả các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải được đồng loạt khởi công. Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn I dự án CHK quốc tế Long Thành... Về quản lý vận tải, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, đồng thời đẩy mạnh triển khai các đề án kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải, nhất là vận tải đường thủy nội địa và đường sắt để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục siết chặt công tác đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện quyết liệt công tác đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận