Xe Phú Vĩnh Long thường xuyên tổ chức đón trả khách tại trụ sở ở số 516 đường 3/2, phường 14, quận 10 để đưa khách từ TP HCM về Vĩnh Long mà không vào bến - Ảnh: Phan Tư |
Cả doanh nghiệp vận tải chân chính lẫn lực lượng chức năng đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện này.
Trong khi xe tuyến cố định phải chịu rất nhiều chi phí bến bãi, những xe hợp đồng, xe dù nghiễm nhiên không mất vì đỗ bên ngoài bến. Những xe truyền thống đúng giờ, đúng “lốt” là phải đi, kể cả không có khách vẫn phải xuất bến, còn xe hợp đồng thì không, cứ có khách thì đi. Đây là những lợi thế không hề nhỏ. Vì lẽ đó, chi phí vận hành của xe hợp đồng rất ít. Chưa kể xe dù còn thoát được nhiều khoản thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT.
Tuy nhiên, thực tế đây lại là loại hình được người dân ưa chuộng do khá tiện lợi và cơ động, thực hiện đưa đón khách tại nhà, hoạt động vào tất cả các khung giờ trong ngày và có thể tiếp cận đến các tuyến phố, khu dân cư một cách dễ dàng. Từ thực tế này, tôi cho rằng, trong quản lý cần hướng tới phục vụ hành khách tốt nhất, đồng thời vẫn quản được đối tượng này, đảm bảo trật tự ATGT.
Vì vậy, cần nghiên cứu các quy định theo hướng những loại hình vận tải nào phục vụ được hành khách tốt hơn, an toàn, thuận tiện, văn minh hơn sẽ tạo điều kiện cho phát triển. Làm vậy mới giải quyết được tận gốc xe trá hình, nếu không cứ luẩn quẩn. Cần có cơ chế quản lý bình đẳng về điều kiện kinh doanh và bình đẳng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, còn anh nào phục vụ tốt hơn hành khách sẽ chọn.
Hàng chục năm gần đây, qua nhiều lần sửa đổi Nghị định chưa đưa ra được phương án quản lý triệt để. Theo tôi, không nên cấm mà cơ quan quản lý cần quản làm sao để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển, nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật và công bằng với các loại hình khác.
Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu. Xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Tôi cho rằng, cần tăng cường quản lý, tích cực xử lý qua phần mềm cảnh báo, thiết bị giám sát hành trình làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt. Quy định hiện nay, trước khi thực hiện hợp đồng, chủ doanh nghiệp, lái xe phải gửi thông tin chuyến đi cho nhà quản lý. Việc này nhiều người cho rằng khó trong quá trình thực hiện và phải bỏ.
Theo tôi, trước đây cơ quan quản lý quy định việc này là hướng tới ứng dụng công nghệ. Cần có phần mềm quản lý, giám sát xe hợp đồng, để khi xảy ra vấn đề gì với hành khách có thể biết được từng hành khách, từng lái xe, chủ xe, từng đoạn đường, tuyến phố. Khi có phần mềm này, lái xe chạy theo hành trình nào, đón khách ở đâu sẽ được truyền ngay về cơ quan quản lý, thuận tiện cho việc hậu kiểm, xử lý vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ giải quyết được bài toán về thu đúng, thu đủ thuế với loại hình này.
Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận