Hàng vạn người chen chân dâng sao giải hạn ở tổ đình Phúc Khánh |
Càng đông, giá càng cao
Nếu mọi năm, gia đình chị Hoàng Minh Khanh (trú tại Nguyễn Công Hoan, Hà Nội) lên chùa làm lễ dâng sao giải hạn chung với nhiều gia đình, thì năm nay chị Khanh quyết định đăng ký nhà chùa làm riêng.
Theo lời chị Khanh, năm nay, cả nhà chị 5 người thì có tới 3 người sao “xấu” lại ở tuổi “không đẹp, 13, 49…” nên chị quyết định phải “giải sao chu đáo”. Giá cho một buổi dâng sao giải hạn của gia đình chị là 3 triệu đồng, chưa kể tiền mừng tuổi cho các sãi già tụng kinh nữa. “Đắt chút nhưng cần thiết nên gia đình vẫn phải làm, chứ mọi năm chi phí cả nhà chỉ khoảng 500.000 đồng mà thôi”, chị Khanh cho biết.
Lo xong xuôi mấy ngày Tết ở quê chồng, chị Ngô Thị Giang (trú tại đường Lê Duẩn, Hà Nội) lại tất bật quay trở lại thành phố, và việc đầu tiên của chị là tìm nơi đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Năm nay, cả hai vợ chồng chị đều sao “xấu” Kế Đô, La Hầu chiếu mệnh. Chị Giang cho biết: “Năm trước nghe mách nước của bạn, mình đăng ký tại ngôi chùa có tiếng, buổi lễ đông nghìn nghịt. Năm nay mình quyết định tìm đến chùa Bụt Mọc gần nhà, giá lễ có nhỉnh hơn nhưng vắng vẻ và yên tĩnh hơn”.
Tương tự, năm nay, gia đình anh Lê Quang Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cũng tìm về ngôi chùa gần nhà với giá trọn gói cho cả lễ giải sao và cầu an là 800.000 đồng/nhà. “Năm ngoái, theo nhà vợ làm lễ dâng sao, chỉ 100.000 đồng/người”, anh Thanh chia sẻ.
Theo khảo sát của Báo Giao thông, ngay tại Hà Nội, giá lễ cúng sao giải hạn, lễ cầu bình an tại mỗi nơi một khác. Nếu ở tổ đình Phúc Khánh là 200.000 đồng/người (gồm cả giải sao và cầu an) thì ở chùa Quán Sứ là 500.000 đồng/gia đình, chùa Ngô 300.000 đồng/gia đình hay chùa Chèm 1 triệu đồng/gia đình…
Mỗi nơi cũng tổ chức một khác, nếu nhiều chùa đến thời điểm hiện tại vẫn tiếp tục tiếp nhận đăng ký cúng sao giải hạn thì có nơi đã khóa sổ từ trước Tết Nguyên đán.
Tại tổ đình Phúc Khánh, theo lịch dâng sao giải hạn và cầu an ở đây, trong những ngày còn lại của tháng Giêng này còn tổ chức 2 đợt khóa lễ sao Thái Bạch (ngày Rằm tháng Giêng), sao Kế Đô (ngày 18 tháng Giêng) và lễ cầu an cho tất cả mọi nhà vào 14 tháng Giêng. Theo lời một bà sãi ngồi nhận đăng ký dâng sao giải hạn tại đây: “Mấy hôm nay cũng vãn người đăng ký hơn mấy ngày đầu năm nhiều rồi.
Tuy nhiên, không chỉ trong tháng Giêng mà để đáp ứng nhu cầu nhiều phật tử, trong các tháng sau, các sư thầy cũng vẫn tiếp tục nhận đăng ký dâng sao giải hạn”. Mặc dù, được cho là đã vãn hơn nhiều so với thời điểm trước, nhưng ghi nhận chỉ trong khoảng 5 phút, tại bàn đăng ký đã tiếp nhận danh sách gần 30 người đăng ký giải sao (nếu có thành viên trong gia đình bị sao “xấu” La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch chiếu mệnh) và cầu an.
Không thể chỉ trông chờ vào giải hạn, cầu may
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Hòa Bình, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, với mong muốn bình an, công việc hanh thông, hóa giải điều xấu là nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Cúng lễ dâng sao giải hạn là một cách để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mỗi người.
Khảo sát tại ngôi chùa ngoại thành là chùa Linh Tiên (Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, năm nay có hơn 1.000 hộ dân đăng ký dâng sớ cầu sao giải hạn với giá từ 300-800 nghìn đồng/hộ tùy theo gia đình có ít hay nhiều sao. Như vậy, tính trung bình, ngôi chùa này thu về từ 300 - 500 triệu đồng. Những chùa lớn, nổi tiếng tại Hà Nội như Quán Sứ, Phúc Khánh, số lượng gia đình dâng sao giải hạn còn lớn hơn, số thu được ước lượng cũng gia tăng tương ứng. |
“Tuy nhiên, mọi người cũng không nên trông chờ vào giải hạn, cầu ước, bởi họa hay phúc đều do bản thân con người tạo ra”, ông Hòa Bình cho biết. Lý giải vì sao hiện tượng này ngày càng phổ biến tràn lan, ông Bình cho rằng, việc một số cá nhân chen lấn, xô đẩy trong đình chùa cầu khấn hay tiêu tốn tiền của, thời gian, sùng tin vào cúng sao giải hạn là biểu hiện của sự thái quá.
Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn và cũng không có quan niệm sao chiếu mệnh tốt hay xấu. Hiện các chùa làm lễ ngày 15 Âm lịch cho người dân đến dâng sao giải hạn thực chất là Lễ cầu an của Phật giáo. Cầu an ở đây không phải là cầu xin, van xin để được bình an, mà là nhắc lại lời Phật dạy, hướng mọi người làm theo lời Phật để đạt được mong muốn bình an, an lạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận