Đường bộ

Giảm 2% thuế VAT, giá cước vận tải có giảm?

17/02/2022, 17:24

Theo Nghị định 15 của Chính phủ, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng VAT 10% sẽ được giảm giảm 2% trong năm 2022.

Cước taxi công nghệ chưa thay đổi

Chính sách giảm 2% thuế VAT được áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phân biệt phương pháp tính thuế khấu trừ hay tính tỷ lệ % trên doanh thu, hiệu lực từ 1/2 đến hết 31/12/2022.

img

Dù Chính phủ đã giảm thuế VAT 2% nhưng giá cước vận tải đến nay vẫn chưa giảm - Ảnh minh họa

Tìm hiểu của Báo Giao thông cho thấy, đến hết ngày hôm nay (17/2), hầu hết các đơn vị vận tải chưa điều chỉnh giá cước vì cho rằng mức giảm thuế VAT không tác động nhiều đến giá cước vận tải.

Tài xế GrabCar Plus Nguyễn Văn Phước điều khiển xe biển kiểm soát 29E - 005.xx cho hay, giá cước từ đầu năm đến nay vẫn được giữ nguyên, chưa có sự thay đổi. Thậm chí, giá cước còn tăng vào các giờ cao điểm, khi nhu cầu tăng cao, máy sẽ tự động nhân giá, hành khách sẽ phải chịu mức giá cao gấp đôi so với bình thường.

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về việc có giảm giá cước hay không khi được giảm thuế VAT, đại diện Công ty Grab Việt Nam cho hay, do thời gian áp dụng diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hệ thống sẽ bắt đầu cập nhật thay đổi mức thuế suất thuế GTGT 8% từ ngày 15/2/2022.

"Grab sẽ tính toán lại mức thuế GTGT chênh lệch trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 14/2/2022 để hoàn trả cho đối tác tài xế và người dùng. Từ ngày 15/2/2022, Grab đã thực hiện điều chỉnh mức thuế suất thuế GTGT áp dụng cho các dịch vụ di chuyển là 8% theo đúng quy định", vị đại diện này cho hay.

Phía GoJek cho biết, hiện đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để hiểu rõ hơn về các quy định, cũng như đảm bảo việc thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, quy định. Sau khi có được thông tin cụ thể sẽ cập nhật đến các bên liên quan.

Công ty cổ phần Be Group - đơn vị sử hữu ứng dụng gọi xe Be cho hay, từ ngày 1/2, hoạt động hợp tác kinh doanh giữa Be Group và tài xế được điều chỉnh theo hướng Be Group tiến hành trích giữ, kê khai và nộp thuế VAT (thuế suất 8%) đối với toàn bộ doanh thu vận tải của các chuyến xe, đơn hàng trước khi phân chia doanh thu hợp tác kinh doanh cho tài xế Be với tỉ lệ chia sẻ doanh thu không thay đổi.

Taxi truyền thống, vận tải tuyến cố định nói "tác động không nhiều"

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên, vận tải hành khách là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid. Dù hiện nay, các địa phương đã thay đổi biện pháp chống dịch, nhưng số lượng hành khách sử dụng dịch vụ này vẫn thấp, hiện chỉ đạt khoảng 20 - 30% so với trước khi có dịch.

"Chính sách giảm thuế VAT không có tác động nhiều tới lĩnh vực này. Mức điều chỉnh đối với hoạt động vận tải trong thời điểm này, không hỗ trợ được gì cả. Không có doanh thu, không có cái để mà tính. Lượng thay đổi của mức thuế 2% không can thiệp được vào vấn đề điều chỉnh giá cước, không đủ sức để tác động đến cơ cấu giá thành, không mang lại lợi ích cho cả hành khách đi xe và doanh nghiệp vận tải", ông Mạnh nói.

Đối với loại hình xe taxi, ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho nói: Bản chất giá cước vận tải đã bao gồm VAT. Giảm thuế VAT 2% không ảnh hưởng hay mang tính kích cầu nhiều đối với lĩnh vực này. Chính sách giảm 2% thuế hỗ trợ doanh nghiệp là chính, giá cước khách hàng được hưởng không đáng bao tiền.

Theo ông Long, tỷ lệ giảm này cũng chưa đủ mức để doanh nghiệp điều chỉnh lại giá. Hơn nữa, đợt này xăng dầu lại tăng phi mã (40 - 50%), mức giảm chưa thấm tháp gì so với chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra. Chính vì thế, thời điểm này, doanh nghiệp vẫn "án binh bất động", không tăng, không giảm, tránh gây hiệu ứng xấu với khách hàng.

Cần phải nói thêm, chính sách giảm thuế 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm một phần tiền thuế phải nộp. Song, thời điểm thuế VAT 10%, các yếu tố đầu vào được khấu trừ 10%, bây giờ cũng chỉ được khấu trừ 8% nên chính sách giảm giá 2% chỉ được áp dụng cho phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp.

"Theo tính toán, với giá thành của taxi, nhiên liệu chiếm cơ cấu 30 - 35%, các yếu tố khác chiếm 15%, giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng 50 - 55% trong tổng giá bán, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ở phần giá trị tăng thêm đó, tương đương 1 - 1,2% trong tổng giá bán doanh nghiệp được hưởng", ông Long nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giảm giá bán hàng hóa dịch vụ thông qua giảm thuế VAT được cho là giải pháp cần thiết giúp kích cầu tiêu dùng trong nước, từng bước vực dậy nền kinh tế vượt qua khủng hoảng do đại dịch.

"Thuế VAT là loại thuế gián thu. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đứng ra thu hộ nên để người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách này cần có sự tự giác của doanh nghiệp và đi kèm với các hoạt động kiểm tra, kiểm soát", ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.