Giảm 20 lần vi phạm tốc độ
Cục Đường bộ VN vừa báo cáo Bộ GTVT công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên toàn quốc.
Theo đó, đến ngày 10/12/2023 có hơn 1,5 triệu xe trên hệ thống. Trong số này, có hơn 916.000 xe do các Sở GTVT quản lý. Hơn 629.000 xe còn lại không thuộc diện phải lắp thiết bị GSHT nhưng các chủ phương tiện vẫn thực hiện để quản lý và được các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT truyền về máy chủ của Cục Đường bộ VN.
Từ khi đưa vào khai thác, hệ thống đã góp phần giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, giám sát tốc độ của phương tiện, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí để đầu tư, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông do xe chạy quá tốc độ, xe tai nạn giao thông và xe quá tải trọng gây ra.
Từ khi hệ thống GSHT hoạt động, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km giảm mạnh, trong khi số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1000km, năm 2023 tỷ lệ này là 0,65 lần/1000km, giảm khoảng 20 lần so với năm 2015.
Hơn nữa, hệ thống cũng cung cấp căn cứ để giải quyết thủ tục hành chính cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu cho xe kinh doanh vận tải. Cục Đường bộ VN đã cung cấp tài khoản cho 63 Sở GTVT truy cập vào hệ thống để thực hiện kiểm tra dữ liệu của phương tiện trước khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phù hiệu, biển hiệu nhằm đảm bảo việc thực thi điều kiện kinh doanh vận tải của doanh nghiệp.
Hệ thống cung cấp dữ liệu để phục vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, điều tra chống buôn lậu, giám sát chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19. Cùng đó, cung cấp thông tin về vị trí, loại phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải và hành trình, khu vực hoạt động thường xuyên của phương tiện, giúp lực lượng kiểm soát xe quá tải xác định và kiểm tra nhanh phương tiện vi phạm.
"Cục Đường bộ VN phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT để xử lý vi phạm ATGT; cung cấp thông tin điều tra tội phạm, các vụ án mạng, điều tra tai nạn giao thông, điều tra các vụ án kinh tế, buôn lậu", Cục Đường bộ VN cho hay.
Cần sớm hoàn thiện hệ thống
Nêu một số khó khăn trong vận hành hệ thống, Cục Đường bộ VN cho hay, hệ thống GSHT đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng mới chỉ được bố trí nguồn kinh phí 1 năm (năm 2020). Từ năm 2021, Công ty CP Hanel hỗ trợ chi trả bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp để thực hiện việc duy trì, vận hành hệ thống. Do vậy, Cục Đường bộ VN không thể nâng cấp, bổ sung hệ thống theo yêu cầu của công tác quản lý và xu thế phát triển của công nghệ.
Bên cạnh đó, do chưa có bản đồ số với đầy đủ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu biển báo tốc độ trên các tuyến đường nên việc giám sát tốc độ của từng loại phương tiện trên từng cung đường chưa được chặt chẽ.
Cũng do thiếu kinh phí nên một số chức năng giám sát nâng cao và một số chức năng đối soát cơ sở dữ liệu lớn, chức năng kết nối dữ liệu với hệ thống khác (hệ thống DVC, quản lý giấy phép lái xe, đăng kiểm) chưa thực hiện được. Điều này gây khó khăn cho các Sở GTVT trong việc cập nhật dữ liệu đầu vào.
Thực tế, một số đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn 2 hoặc 3 thiết bị GSHT lắp trên cùng một phương tiện. Khi đó, hệ thống sẽ tiếp nhận dữ liệu của tất cả các phương tiện này và sẽ làm tăng khối lượng tính toán, phát sinh thêm thuật toán để so sánh, đối chiếu số liệu gây lãng phí tài nguyên của hệ thống.
"Với đặc thù hệ thống đang tiếp nhận dữ liệu của gần 1 triệu phương tiện trên cả nước. Để hoạt động hiệu quả, hệ thống cần phải được cải tiến, nâng cấp thường xuyên, thực hiện tối ưu thuật toán liên tục và bổ sung hạ tầng kịp thời. Tuy nhiên, việc duy trì, vận hành gặp nhiều khó khăn do không được bố trí nguồn kinh phí thực hiện", Cục Đường bộ VN cho biết.
Để đầu tư, nâng cấp hệ thống hoạt động hiệu quả, Cục Đường bộ VN cho biết, đã đề xuất với Bộ GTVT kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin: “Hệ thống duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải”.
Trong đó, Cục cũng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu bố trí kinh phí để xây dựng bản đồ số phục vụ cho công tác giám sát hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải theo tốc độ của từng cung đường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung một số chức năng trên hệ thống như chức năng theo quy định tại quy định hiện tại Nghị định số 10/2020. Hoàn thiện các chức năng khác như báo cáo thống kê về các trường hợp bất thường của dữ liệu đảm bảo tăng tính chính xác trong việc tính toán các trường hợp vi phạm, chức năng kết nối, tự động cập nhật đồng bộ dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện, lái xe từ các hệ thống hiện có như hệ thống dịch công trực tuyến, hệ thống đăng kiểm, hệ thống giấy phép lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận