- Thu phí điện tử - xu hướng toàn cầu
Giá long môn của hệ thống thu phí không dừng trên đường cao tốc tại Đài Loan. |
Loại bỏ dần việc thu phí thủ công (MTC) tiến tới áp dụng hệ thống thu phí điện tử (ETC) trở thành xu hướng toàn cầu vì hiệu quả và lợi ích cao.
ETC không chỉ gói gọn trong khuôn khổ một quốc gia, châu lục mà hiện đang nhân rộng ra toàn cầu: Châu Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico…), châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Áo…), châu Phi (Nam Phi).
Tỉ lệ chính xác cao
Riêng trong khu vực châu Á, bên cạnh Singapore, Hàn Quốc…; Đài Loan (Trung Quốc) đi đầu thế giới áp dụng hệ thống thu phí không dừng sử dụng công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến (RFID) trên hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam dọc lãnh thổ với tỷ lệ chính xác lên tới 99,998%; Ấn Độ cũng đang từng bước đưa ETC vào áp dụng trên toàn quốc. Không phải ngẫu nhiên các nước học tập nhau dần xóa bỏ thu phí thủ công và áp dụng thu phí điện tử.
Lợi ích dễ nhận thấy nhất từ ETC là giao thông thông suốt, người điều khiển xe không vướng bận chuyện dừng lại trả tiền hay quẹt thẻ để trả phí như trước; Chấm dứt cảnh hàng dài xe nối nhau chờ qua cửa gây tắc nghẽn. Singapore là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng hệ thống thu phí điện tử để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông trên cả đường cao tốc và nội đô. Kết quả, lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm giảm hẳn 25 nghìn xe (không áp dụng với xe máy), giúp tăng tốc độ lưu thông trung bình lên 20%.
Nhật Bản cũng được đánh giá là điểm sáng trong việc sử dụng ETC để giảm tắc đường. Kể từ khi sáp dụng hệ thống ETC năm 2001 đến nay, hiện tượng ùn tắc tại các điểm thu phí trên đường cao tốc hoàn toàn biến mất.
Tiết kiệm đủ loại chi phí
Một lợi ích thiết thực khác của ETC đó là giảm chi phí vận hành. Đối với nhà quản lý, ETC giúp tiết kiệm chi phí nhân công túc trực thu phí 24/7, chi phí xây dựng trạm… Về lâu dài, Chính phủ tiết kiệm tiền bảo vệ môi trường vì lượng khí thải được cắt giảm. Đối với người dùng, ETC giúp giảm chi phí nhiên liệu khi không phải dừng phương tiện để trả phí, tiết kiệm thời gian vàng bạc.
Ông Ajay D’souza, người đứng đầu Viện Nghiên cứu CRISIL, Ấn Độ tính toán: “Hàng ngày, mỗi phương tiện nước này phải chờ 5 - 10 phút để trả phí trên đường cao tốc. Trong khi, mỗi phương tiện tiêu thụ gần 0,5-1 lít nhiên liệu/giờ. Tương đương, mỗi chủ xe tốn 3-6 rupee (1.000 - 2.000 VND) tiền nhiên liệu một ngày và 1.000 rupee (gần 340.000 VND)/năm”. Ngoài ra, ETC còn là biện pháp để minh bạch hóa số liệu thu phí, giảm thiểu sai sót của con người. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu CRISIL, tổn thất cho các nhà quản lý đường bộ do rò rỉ, sai sót trong quá trình thu phí vào khoảng 1.200 rupee (hơn 430.000 VND)/năm.
Trong nghiên cứu mang tên Phân tích và dự đoán hệ thống Thu phí điện tử toàn cầu cho tới năm 2020 do Research and Market, Kho tài liệu nghiên cứu thị trường số 1 thế giới công bố: “Giá trị thị trường thu phí tự động toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 9,5 tỷ USD cho tới năm 2020”. |
Việc triển khai hệ thống này còn giúp nhà quản lý thống kê chi tiết thông tin về ngày giờ, lưu lượng giao thông để đưa ra quyết định về chiến lược giá sao cho hợp lý. Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ.
Theo ông YC Chang, Giám đốc dự án Thu phí điện tử của Tập đoàn Viễn Đông (FETC) - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý việc thu phí điện tử trên đường cao tốc cho biết: “Nếu như trước đây người tham gia giao thông trả tiền phí theo chặng, thì nay, với công nghệ thu phí điện tử, tiền phí được tính theo km và được điều chỉnh linh hoạt tùy theo thời điểm, đảm bảo công bằng và rẻ hơn. Dưới 20km, không phải trả phí; Trên 200km, sẽ được giảm giá. Đặc biệt dịp lễ, Tết để khuyến khích mọi người di chuyển sớm, phân tán lưu lượng xe, tránh tắc đường, phí được giảm 20% so với ngày thường”.
Việc thu phí điện tử là xu hướng tất yếu trong bối cảnh khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển. Không dừng lại ở hệ thống ETC, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng cơ sở dữ liệu giao thông làm nền tảng để xây dựng giao thông thông minh. Chẳng hạn, với phương pháp thu phí không dừng sử dụng công nghệ RFID, thẻ etag tương đương với “chứng minh thư” chứa đủ thông tin chủ phương tiện, bắt buộc phải gắn chặt vào xe nên các cơ quan chức năng có thể quản lý vấn đề Chính chủ.
Đồng thời, cho phép dễ dàng tích hợp thêm nhiều tiện ích trong tương lai như: Đỗ xe, quản lý xe ra - vào, theo dõi kiểm soát phương tiện, trong đó có kiểm soát tải trọng. Sau này, etag có thể phát triển thành biển số xe điện tử hoặc tích hợp trở thành ví điện tử (trả tiền xe buýt, tàu điện ngầm...).
Xem thêm video: Cán bộ kiểm lâm đánh nhân viên thu phí
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận