Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đề án bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa nhân văn, không chỉ giúp bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ, giảm tải tuyến trên, giúp bệnh nhân đường hưởng y tế kỹ thuật cao mà còn giúp các bệnh viện tuyến trên có nhiều thời gian nghiên cứu và thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học...
Đáng mừng tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 50% xuống 0,5%
Chuyển giao kỹ thuật cao ở đề án bệnh viện vệ tinh góp phẩn giảm tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân |
Chia sẻ thông tin tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến mới đây, GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho hay, hiệu quả thực tiễn của công tác chỉ đạo tuyến và Đề án BV vệ tinh đã thể hiện rất rõ ở tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới lên Việt Đức giảm đáng kể. Ví như với các kỹ thuật chuyển giao ví dụ như phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi, nếu trước khi chuyển giao chứng 1 năm thì ở đây có tới 50 % bệnh nhân buộc phải chuyển tuyến thì nay tỷ lệ này chỉ còn 0,5%. Tương tự như ở BVĐK Thái Bình, có số chuyển tuyến không còn dù trước đó là 40%.
Điều đáng nói, với chấn thương này bệnh nhân chuyển về đến BV Việt Đức đa phần buộc phải cắt bỏ chân vì đã bị hoại tử. Đây là kỹ thuật khó nhưng lại cần phải được xử lý tại chỗ vì nguy cơ hoại tử chân rất cao, chỉ sau 6 tiếng chấn thương. Do vậy, kỹ thuật này được BV Việt Đức đẩy mạnh chuyển giao các BV Vệ tinh và hiệu quả mang lại rất rõ rệt.
Hay kỹ thuật mổ máu tụ trong não, sau chuyển giao các địa phương Quảng Ninh, Thái Bình và Lào Cai, Thanh Hóa, Ninh Bình cũng đã làm chủ kỹ thuật này, nhờ vậy tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh, thậm chí có nơi không có bệnh nhân phải chuyển tuyến nữa.
Ông Giang nhấn mạnh thêm: “Nhiều kỹ thuật như điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc, kỹ thuật chụp cắt lớp dưới đa dãy, phẫu thuật điều trị chấn thương sọ não… trước khi được BV Việt Đức chuyển giao có tỷ lệ chuyển tuyến gần như 100% thì nay đã giảm xuống chỉ còn 5% đến 0%. Tỷ lệ người bệnh điều trị tại các BV Vệ tinh cũng tăng từ 70-90%, đặc biệt nhờ thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu do BV Việt Đức chuyển giao”.
Y tế cơ sở cần đầu tư và nỗ lực hơn nữa
Theo ông Giang, thực hiện Đề án BV Vệ tinh và công tác chỉ đạo tuyến của Bộ Y tế, thời gian qua, BV Việt Đức đã liên tục tổ chức được 115 khóa đào tạo cho gần 1.800 học viên đến từ các BV vệ tinh thuộc 9 chuyên ngành: Ngoại Tiêu hóa, Điều dưỡng khối phòng bệnh; Chấn thương chỉnh hình; Điều dưỡng khối phòng mổ; Ngoại Tiết niệu-Nam học; Chẩn đoán hình ảnh; Ngoại tim mạch – lồng ngực; Đào tạo nội viện; Gây mê hồi sức.
BV Việt Đức cũng đã chuyển giao 147 lượt kỹ thuật cho 824 học viên của 18 BV vệ tinh, song song với đó BV cũng cử 100 lượt chuyên gia về các BV Vệ tinh để chuyển giao kỹ thuật và giám sát, hỗ trợ sau chuyển giao. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống Telemedicine đã giúp BV Việt Đức vừa đào tạo vừa tổ chức tư vấn phẫu thuật cấp cứu cho những trường hợp bệnh nhân nặng, phức tạp, không có khả năng chuyển tuyến như trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng tại Điện Biên.
Mặc dù hiệu quả mang lại khá rõ rệt nhưng, ông Giang vẫn cho rằng các BV vệ tinh cần có sự linh động, mềm dẻo khi lựa chọn cán bộ cử lên tuyến trên học tập, nâng cao chuyên môn, không để tình trạng bố trí học viên khi tuổi đã cận kề về hưu
Hơn nữa các địa phương cũng cần có sự quan tâm đầu tư về trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở y tế hơn nữa để việc chuyển giao kỹ thuật thực sự hiệu quả, giúp người dân được hưởng lợi thăm khám kỹ thuật cao.
Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận