Taxi giảm giá, xe khách vẫn chưa
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, trước diễn biến giá xăng dầu giảm, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn TP nghiên cứu thực hiện đồng nhất việc giảm giá cước taxi với mức tham khảo từ 500 đồng/km - 1.000 đồng/km.
“Đến nay, Thanh Nga và Vạn Xuân là hai hãng taxi đã thực hiện việc giảm giá cước. Các doanh nghiệp còn lại đang kê khai giá cước mới để gửi Sở GTVT TP Hà Nội”, ông Hùng nói và cho biết, mức giá cước hiện tại của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội là 15.000 đồng/km.
Dù giá xăng dầu đã liên tiếp giảm trong thời gian gần đây nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước. Ảnh: Tạ Hải
Vào thời điểm trước tháng 1/2022, khi giá xăng tăng đến 23.600 đồng/lít, giá cước của các hãng taxi vẫn giữ nguyên khoảng 13.800 đồng/km so với đợt giá xăng dưới 20.000 đồng/lít. Sau đó, do giá xăng dầu tăng liên tục, các hãng đề xuất tăng giá cước lên 8%.
Tới đây, sau khi điều chỉnh, mức giá mới sẽ còn từ 14.000 - 14.500 đồng/km, giảm khoảng 7%, gần tương đương với mức giá cước đã tăng, trong khi giá xăng thời điểm này còn ở mức 24.600 đồng/lít (cao hơn 7% so với giá xăng thời điểm các doanh nghiệp taxi đề xuất tăng giá).
“Mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe”, ông Hùng nói và cho biết, vì chi phí lớn và mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt giảm giá xăng dầu.
Khi giá xăng tăng lên trên 30.000 đồng/lít và đạt đỉnh hơn 32.000 đồng/lít, một số doanh nghiệp taxi đã đề xuất tăng giá cước, khi đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị thực hiện thì giá xăng lại hạ nên chưa kịp điều chỉnh.
Doanh nghiệp taxi phải trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5 - 7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai. Vì thế, doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước khi quyết định đề xuất tăng, giảm giá cước.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết, giá cước tuyến Hà Nội - Lào Cai hiện nay của hãng là 280.000 đồng/người/lượt, tăng 40.000 đồng (tương đương khoảng 16% so với giá vé trước đây).
Thời điểm tăng giá vé vào khoảng tháng 3/2022, khi giá xăng dầu ở mức 25.000 đồng/lít, sau đó liên tục tăng cao, chạm mốc gần 33.000 đồng/lít nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh tăng theo.
Đến nay, giá xăng tuy đã giảm xuống chỉ còn 24.600 đồng/lít nhưng thời gian giảm chưa dài, chưa đủ để doanh nghiệp bù lỗ trong khoảng thời gian giá xăng tăng cao. Do đó, doanh nghiệp vẫn chưa đề xuất giá cước mới.
Tương tự, ông Hán Trọng Bằng, chủ hãng xe Cường An chuyên tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, trước đây, khi giá xăng chỉ 15.000 - 16.000 đồng/lít, giá vé tuyến Hà Nội - Tuyên Quang là 100.000 đồng/vé.
Khi giá xăng tăng đến 26.000 đồng/lít vào tháng 4/2022 (tăng đến 68%), doanh nghiệp mới đề xuất tăng giá vé lên 120.000 đồng/vé (tăng khoảng 20%). Giá xăng hiện tại đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với thời điểm áp dụng mức giá cũ nên hãng cũng chưa đề xuất giảm.
Tại TP.HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, Vinasun vừa đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km sau khi giá xăng dầu giảm. Cách đây mấy tháng khi giá xăng dầu lên, hãng cũng chỉ tăng 600 đồng/km.
Ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines thông tin, lần giảm giá xăng dầu này, công ty không giảm giá cước mà vẫn giữ nguyên. Lý do từ trước dịch đến nay, kể cả trong giai đoạn xăng tăng giá mạnh nhưng công ty vẫn không tăng giá vé.
Tương tự, ông Lê Ðức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi cũng cho biết, công ty vẫn giữ nguyên giá vé không tăng, giảm, bởi trong đợt xăng tăng giá trước đó giá vé công ty không tăng.
Giá cước không chỉ phụ thuộc vào xăng dầu?
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường.
Đối với vận tải taxi, vận tải khách tuyến cố định và xe buýt, Nhà nước yêu cầu phải kê khai giá. Các doanh nghiệp vận tải thuộc các loại hình này tự kê khai và đăng ký giá với Nhà nước.
Ông Quyền cho rằng, trong các chi phí đầu vào, giá xăng dầu được các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước.
“Đối với vận tải hàng hóa, thường hợp đồng giá cước được ký theo lô hàng và được vận chuyển trong thời gian dài. Vận tải khách thì phải đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, phải cài đặt lại đồng hồ, phải in vé nên doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá cước theo chu kỳ này”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, giá cước của mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Những yếu tố cấu thành nên chi phí vận tải là một trong các căn cứ để doanh nghiệp quyết định giá cước.
“Chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán giá cước. Giá cước này cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu”, ông Quyền nói.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, doanh nghiệp vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự đăng ký và kê khai giá cước và thực hiện đúng giá vé đã kê khai. “Kê khai giá là việc của doanh nghiệp vận tải, nếu thấy việc kê khai bất hợp lý hoặc bán vé cao hơn giá kê khai cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu kê khai lại hoặc xử lý theo quy định”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, để góp phần bình ổn giá tiêu dùng, Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị doanh nghiệp vận tải rà soát, giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu.
Kiểm soát cách nào?
Mức giá cước hiện tại của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội là 15.000 đồng/km Ảnh: Tạ Hải
Nói về cách kiểm soát giá cước, ông Thủy cho hay, doanh nghiệp đăng ký kê khai tăng giá cước ở thời điểm giá xăng dầu tăng cao nhất.
Vì thế, khi giá nhiên liệu giảm sâu như thời điểm hiện nay, nếu thấy giá vé bất hợp lý, sở GTVT các tỉnh, thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại giá cước.
Phân tích cụ thể hơn, ông Thủy cho biết, khi giá xăng dầu tăng 50%, các doanh nghiệp vận tải chỉ tăng 10% giá vé.
Mức tăng của giá xăng dầu sẽ hình thành mặt bằng giá mới do lương và các loại chi phí vận tải khác đều tăng theo. Mức tăng của các chi phí đầu vào khác ngoài xăng có thể còn cao hơn mức giá vé tăng 10% của doanh nghiệp nên sẽ khó giảm giá cước vận tải.
Giảm giá vé hay không phụ thuộc phần lớn vào kê khai lại của doanh nghiệp. Ví dụ, tại thời điểm doanh nghiệp kê khai, giá xăng dầu cao nhất là 32.000 đồng, sau đó lại giảm xuống 25.000 đồng.
Nếu doanh nghiệp không giảm giá vé đã tăng trước đó là 10% các sở GTVT có thể yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại.
Khi doanh nghiệp kê khai lại, các chi phí đầu vào và xăng dầu có tăng hay giữ nguyên so với mức giá tăng cao nhất của xăng dầu mới tính toán được giá cước vận tải có cao hay không.
“Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại. Khi sửa các nghị định về kê khai giá, có thể kiến nghị bổ sung nội dung: Khi các yếu tố đầu vào hình thành giá thay đổi, nếu doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh giá, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại”, ông Thủy nói.
Giữ giá vé cao mà không có khách thì không sống được
Đại diện Bến xe Miền Đông, TP.HCM cho biết, hiện nay có khoảng 145 doanh nghiệp hoạt động tại bến nhưng chỉ có Công ty Hồng Sơn chạy tuyến Nam Tuy Hòa đăng ký giảm giá cước.
Lúc xăng tăng giá, nhiều đơn vị cũng chỉ tăng từ 20 - 23% giá cước hoặc không tăng nên đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trong bến không giảm giá vé.
“Nếu tăng giá vé cao mà không có khách thì doanh nghiệp không sống được. Do đó, doanh nghiệp họ tự cân đối nguồn thu, tuyến đường, lượng khách để có thể tăng hay giảm cho phù hợp”, vị này nói.
Theo, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô khách TP.HCM, giá xăng dầu giảm thì hẳn nhiên giá cước vận tải phải giảm. Tuy nhiên, giá cước sẽ giảm ở mức tương ứng, tùy loại xe, tuyến đường.
Giảm giá cước vận tải đường sắt
Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị luôn bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng.
Cụ thể, từ ngày 10/8 - 21/8/2022, công ty đã điều chỉnh giá vé các tàu Thống nhất như: Giảm 3% giá vé ghế ngồi và 5% giá vé giường nằm; Các tàu chạy trên tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới giảm 10% giá vé. Riêng các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng không giảm giá vé do không tăng giá vé khi giá nhiên liệu tăng.
Đối với tàu khách chạy giai đoạn thấp điểm, sau giai đoạn cao điểm hè từ ngyaf 22/8 đến hết 31/12/2022 (trừ dịp nghỉ lễ 2/9 và Tết Dương lịch năm 2023), công ty xây dựng giá vé tàu khách Thống nhất bằng 84% giá vé áp dụng cho giai đoạn hè; Giá vé tàu khách khu đoạn tàu khách Hà Nội - Vinh bằng 77% so với giá vé hè; Giá vé tàu Hà Nội - Lào Cai giảm 10% trong các ngày đầu tuần.
Với cước hàng hóa, từ ngày 15/7/2022 đến nay, công ty đã giảm tổng cộng 5% trên các tuyến đường sắt.
Ở khu vực phía Nam, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngay khi giá nhiên liệu “hạ nhiệt”, vừa qua công ty đã giảm giá vé tàu khách 3 - 5%. Cước vận tải hàng hóa cũng đã giảm nhiều đợt, mức cao nhất là 5%. Công ty sẽ tiếp tục theo dõi biến động giá nhiên liệu để có điều chỉnh giá cước phù hợp.
Thanh Thúy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận