Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil chuyển nộp toàn bộ số dư quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước, đồng thời gửi bản sao chứng từ nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) theo quy định pháp luật. Nhưng đến ngày 19/2, cơ quan chức năng không nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Xác nhận với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết đã liên tục có văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil thực hiện việc nộp lại số dư quỹ bình ổn xăng dầu sau khi doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 11/8/2023.
"Nếu đơn vị vẫn tiếp tục không thực hiện đúng quy định sẽ bị cưỡng chế tài sản", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nói về hướng xử lý.
Xuyên Việt Oil là một trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 2 lần, vào năm 2016 và cấp lại vào năm 2021.
Tháng 8/2023, Xuyên Việt Oil bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Thời điểm này, Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.244 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế bảo vệ môi trường được tính trong cơ cấu giá xăng dầu mà doanh nghiệp này còn nợ, phát sinh trên tờ khai từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022. Còn tính đến hết tháng 10/2023, Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.529 tỷ đồng, đứng đầu trong danh sách 198 doanh nghiệp nợ thuế được Cục Thuế TP.HCM công bố.
Đầu tháng 9/2023, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam bị can Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) và Phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận