“Chúng tôi tin rằng có những yếu tố cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường khí đốt châu Âu là do hành vi của Nga”, ông Birol nói, đồng thời cho biết việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu diễn ra trùng thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine.
Ông Birol đưa ra dẫn chứng công ty dầu khí nhà nước của Nga Gazprom cắt giảm 25% lượng khí đốt xuất khẩu tới châu Âu trong quý IV năm 2021 dù các nhà cung cấp khác tăng lượng khí đốt xuất khẩu.
IEA cáo buộc Nga làm trầm trọng khủng hoảng khí đốt châu Âu.
“Sự thiếu hụt khí đốt lưu trữ hiện tại ở Liên minh châu Âu (EU) phần lớn là do Gazprom”, ông Birol đưa ra cáo buộc và cho rằng mức lưu trữ thấp tại các cơ sở ở châu Âu của công ty này chiếm 50% lượng khí đốt lưu trữ bị thiếu hụt của châu Âu.
Trước đó, một số chính trị gia phương Tây cũng chỉ trích Nga - đơn vị cung cấp hơn 30% khí đốt cho EU sử dụng khí đốt để gây sức ép lên liên minh về vấn đề Ukraine. Nga phủ nhận cáo buộc và cho biết Gazprom đã hoàn thành đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng khí đốt với châu Âu.
Tuy nhiên, ông Birol cho rằng Nga có thể gia tăng ít nhất ⅓ lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Giám đốc IEA cũng nhận định ngược lại với tình hình tại châu Âu, Nga đang cung cấp lượng khí đốt vượt quá điều khoản trong hợp đồng với Trung Quốc.
Ông Birol cũng nhận định châu Âu cần tìm cách đảm bảo lượng khí đốt lưu trữ ở mức thích hợp bằng cách thêm các điều khoản bắt buộc về mức khí đốt lưu trữ tối thiểu với tất cả nhà cung cấp thương mại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận