Bất động sản

Giám đốc Xuân Trường phủ nhận nợ 27,5 tỷ thuế đất, luật sư nói gì?

18/02/2020, 11:13

Hiểu khu du lịch Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị là chưa chính xác.

img
Di sản Tràng An, nơi Kiểm toán nhà nước kết luận Xuân trường đang nợ 27,5 tỷ tiền thuế đất

Doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế đầy đủ

Trước kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Xuân Trường nợ 27,5 tỷ tiền thuế đất, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) Nguyễn Văn Trường đã phủ nhận với lý giải, Tràng an trở thành di sản thế giới, mọi hợp đồng thuê đất trong khu di sản đều không có giá trị.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Nếu cho rằng khu du lịch Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới nên tất cả các hợp đồng thuê đất đều không có giá trị, bởi đó là tài sản của nhân loại - là chưa chính xác. Chúng ta đang sống trong vùng lãnh thổ quốc gia dưới sự quản lý của nhà nước, vì vậy mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ các quy định và chính sách quản lý của Nhà nước.

“Nhà nước thống nhất quản lý đất đai và quản lý di sản. Điều này khẳng định tại Điều 6 Luật Di sản văn hóa 2006, sửa đổi 2009 quy định: “Mọi di sản văn hoá ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước”, luật sư Tú dẫn chứng.

Về mặt quản lý di sản, theo luật sư Tú, Nhà nước trực tiếp quản lý di sản, ngay quá trình nộp hồ sơ đăng ký công nhận di sản thế giới cũng do Nhà nước thực hiện, nên không thể nói sau khi trở thành di sản thế giới thì tài sản là của nhân loại, Nhà nước không có quyền thu tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp với tư cách tổ chức được giao quản lý di sản cần phải chung tay gánh vác nhiều trách nhiệm hơn cùng với Nhà nước trong việc bảo tồn, phân bổ nguồn lực tài chính để duy trì, bảo vệ di sản, quảng bá đến cộng đồng và phát triển du lịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế (thuế và các khoản khác bao gồm tiền thuê đất) cho Nhà nước trước, sau đó nguồn tài chính còn lại mới được dùng để chi trả cho hoạt động khác. Nếu tiếp cận dưới góc độ dự án đầu tư càng thấy một điều chắc chắn, doanh nghiệp xin cấp phép và thực hiện dự án đầu tư, ví dụ như Khu du lịch Tràng An không ngoài mục đích kinh doanh, sinh lời thì việc đóng góp nghĩa vụ tài chính với nhà nước là điều phù hợp. Trừ trường hợp, dự án nằm trong diện ưu đãi đầu tư, được miễn, giảm tiền thuê đất…

Doanh nghiệp có thể khởi kiện nếu thấy bị xâm phạm

Theo ông Tú, Kết luận Kiểm toán nhà nước là nguồn tin tin cậy và có hiệu lực thi hành (Theo quy định hiện nay, kết luận của cơ quan chuyên môn là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong các vụ việc dân sự tại tòa án).

Trong trường hợp không đồng ý, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện hành chính nếu cho rằng mình bị xâm phạm, cơ quan thuế có sai sót khi xác định số tiền nộp thuế… Như trong vụ việc trên, ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng doanh nghiệp đang xem xét “kêu oan”.

Chia sẻ thêm về việc xử lý doanh nghiệp nợ tiền thuê đất trong thời gian dài, theo vị luật sư này, chính sách xử lý của Nhà nước hiện nay là doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng thời kỳ.

Việt Nam là thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ký tại Paris ngày 16/11/1972 và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam (Pháp điển hóa về Công ước Di sản thế giới), Điều 17 quy định: “Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bao gồm: a) Ngân sách nhà nước; b) Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; c) Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới; d) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác. 2. Các khoản thu nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới”.

“Việc chậm nộp thuế nói chung (thuế và các khoản thu khác) là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, do đó doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền và cưỡng chế thuế theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP. Nhưng Nghị định này không có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuê đất. Như vậy, đến nay chưa có cơ chế pháp lý nghiêm khắc xử lý việc chậm nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp ngoài việc thu thêm tiền chậm nộp và cho phép cưỡng thu”, luật sư Tú nói.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước công bố Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2018. Theo đó, trong thời gian tiến hành kiểm toán từ ngày 21/3 đến ngày 19/5/2019, Xuân Trường được UBND tỉnh ký 4 hợp đồng cho thuê đất trả tiền hàng năm với tổng diện tích 2.912.354,6m2 để thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An, thời gian cho thuê là 70 năm, đơn giá thuê theo các quyết định của Sở Tài chính.

“Mặc dù, Chi cục thuế huyện Hoa Lư đã nhiều lần làm việc, đôn đốc và yêu cầu Doanh nghiệp nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, từ thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất (năm 2007 đến nay), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chưa thực hiện nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước. Tổng số tiền thuê đất phải nộp tính đến hết năm 2018, cơ quan Thuế xác định là 25,740 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là 15,608 tỷ đồng và tiền chậm nộp là 10,132 tỷ đồng”, báo cáo kết quả kiểm toán nêu.

Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Xuân Trường không nộp báo cáo tài chính liên tục nhiều năm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc Nguyễn Văn Trường đã lên tiếng phủ nhận. "Từ khi Tràng An trở thành di sản của thế giới, thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO nên các hợp đồng thuê đất trong khu di sản đều không có giá trị. Tất cả vùng danh thắng Tràng An đều thuộc về di sản của nhân loại, chứ không thuộc về một cá nhân hay tổ chức nào”, ông Trường lý giải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.