Xã hội

Giảm giá, mượn máy xét nghiệm Covid-19: Không dễ xóa dấu vết, hòa cả làng!

04/05/2020, 19:51

Theo chuyên gia giá cả, việc các địa phương vội “đàm phán” giảm giá, mượn máy xét nghiệm Covid-19 là hiện tượng “phá cờ”, xóa dấu vết vi phạm.

img
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, tình trạng loạn giá máy xét nghiệm Covid-19 là bởi tư tưởng trục lợi "tiền chùa" của cán bộ

Loạn giá: Tiền chùa nên mới như vậy

Liên quan tới thông tin nâng giá khống hệ thống thiết bị xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội, chiều 4/5, chia sẻ với PV Báo Giao thông, TS Ngô Trí Long, chuyên gia về thẩm định giá, nhận định: “Đây là hành động tội ác đối với xã hội và với người dân!”

Theo ông Long, trong bối cảnh “thiên tai địch họa” khẩn cấp, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện chỉ định thầu để mua sắm trang thiết bị thay vì tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, không phải vin vào khẩn cấp để chỉ định thầu một cách tùy tiện, muốn mua sản phẩm gì cũng được.

“Cơ quan được giao tổ chức chỉ định thầu, cụ thể trong vụ mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19, CDC các tỉnh có dịch phải phát đi thông báo mời chào giá kèm theo thông số kỹ thuật tới các đơn vị bán thiết bị y tế để thăm dò. Để tránh sự móc ngoặc nâng giá của các đơn vị cung cấp, đơn vị chỉ định thầu phải mời cơ quan chuyên môn, đơn vị thẩm định giá độc lập vào cuộc để tìm được sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất. Chưa hết, nếu là hàng nhập khẩu cần kết nối với cơ quan hải quan để thông tin về giá nhập, thậm chí với lô hàng quan trọng có thể liên hệ với trung tâm thẩm định giá quốc gia của nước dự kiến mua hàng”, ông Long nêu về nguyên tắc thẩm định giá trong chỉ định thầu.

Theo vị chuyên gia, thị trường có “trăm người bán, vạn người mua” có thể giá bán lại phụ thuộc vào phương thức thanh toán, số lượng đơn hàng, điều kiện vận chuyển bảo hành… Tuy nhiên mức chênh lệch không nhiều, không thể có chuyện vênh lên hàng tỷ đồng.

Đối chiếu thông tin Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai vừa tặng trung tâm CDC Gia Lai một máy xét nghiệm Covid-19 với giá chưa tới 2 tỷ đồng, trong khi giá mua của CDC Hà Nội và một số địa phương khác lên tới 7 tỷ đồng, ông Long đặt câu hỏi: “Tại sao cùng một thiết bị mà khi mang tiền nhà nước đi mua bao giờ cũng bị thất thoát còn DN tư nhân lại không? Phải chăng người ta coi đó là tiền chùa chứ không phải tiền túi “của đau con xót”?”

"Không dễ xoá dấu vết, hoà cả làng như vậy"

Theo ông Long, hiện nay quy định pháp lý về chỉ định thầu đã cơ bản đầy đủ, vấn đề là con người thực thi.

Dẫn lại câu câu chuyện nhân viên Trung tâm thẩm định giá (Ban vật giá Chính phủ) từng bị xử lý vì nhận hối lộ hàng nghìn USD để xác định giá thiết bị nâng lên gấp 15 lần, vị chuyên gia bày tỏ: “Ý thức, tinh thần trách nhiệm và năng lực của người thực thi chỉ định thầu rất quan trọng. Con người có tư tưởng liên kết móc ngoặc để trục lợi thì mới dẫn tới chuyện nâng giá để ăn phần trăm”.

Từ vụ CDC Hà Nội, nhiều địa phương khác đã vội vàng “đàm phán” với đối tác giảm giá, mượn máy xét nghiệm Covid-19. Theo ông Long đây là hiện tượng “phá cờ” xóa dấu vết vi phạm.

“Không dễ xóa dấu vết, hoà cả làng như vậy, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể xem xét lại chứng từ hồ sơ, không sớm thì muộn sẽ bị lôi ra ánh sáng”, ông Long nói.

Được biết, sau khi Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố, bắt tạm giam vì chi đến 7 tỷ đồng mua hệ thống xét nghiệm Covid-19, hàng loạt địa phương khác đã lên tiếng.

Đơn cử tại Hải Phòng, đại diện Sở Y tế phủ nhận thông tin mua thiết bị 10 tỷ đồng và cho biết máy đang dùng là "đi mượn".

Tỉnh Quảng Ninh cũng phủ nhận việc mua máy xét nghiệm Covid-19 giá cao (8,4 tỷ đồng) và cho hay vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy với nhà cung cấp.

Tại Quảng Nam, công ty bán máy xét nghiệm cho tỉnh này đã bất ngờ “giảm giá” từ 7,2 tỉ xuống 4,8 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.