Chuyên gia cho rằng, tín dụng bất động sản đang ở mức cao, đây là nguyên nhân dẫn đến đầu cơ, "thổi" giá.
Giảm rủ ro, chống đầu cơ
Trước tình trạng "cò" thổi giá đất tạo "sóng ảo"; Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do tín dụng đổ vào bất động sản quá lớn. Do vậy, cần tăng lãi suất ngân hàng, giảm hạn mức cho vay để chống đầu cơ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, nguồn vốn từ các ngân hàng đổ vào bất động sản lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nợ xấu. Do vậy, NH Nhà nước phải siết tín dụng vào bất động sản.
Giải pháp cụ thể được ông Hiển đưa ra như: Giảm tỉ lệ cho vay mua nhà, mua đất từ 70% giá trị xuống 50% hay thậm chí thấp hơn nữa.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - khẳng định tín dụng BĐS vẫn đảm bảo an toàn trong những năm gần đây. Tuy nhiên cần thiết phải cảnh báo tình trạng nợ xấu tín dụng BĐS, bởi rủi ro trong cho vay BĐS là thường trực.
Các NH cũng cần đánh giá được mức độ rủi ro của khoản vay, đặc biệt phải chủ động theo dõi hoạt động đầu tư của tổ chức vay vốn để quản lý khoản vay.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê, đến ngày 15/3/2021, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, tức tăng cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung hiện nay của toàn ngành (2,04%).
Theo phân tích của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, tín dụng đổ vào bất động sản có 2 lĩnh vực: Một là tín dụng chảy vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án (nghỉ dưỡng, biệt thự…) mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, lĩnh vực thứ hai là những lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, ví dụ như nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.
Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng trong thời gian qua cũng như dự báo sắp tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng.
Cảnh giác trước tín dụng "đen"
Cũng liên quan đến tín dụng trong đầu tư "lướt sóng" bất động sản, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội lại đưa ra khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước hiện tượng dễ dàng tiếp cận tín dụng bất động sản và cần tránh bị dao động trước các luồng thông tin thiếu minh bạch.
Theo ông Matthew Powell, việc tiếp cận dễ dàng các khoản tín dụng khuyến khích nhiều người vay vốn và đầu tư vào các loại hình bất động sản. Sự xuất hiện một số loại tín dụng trên thị trường bất động sản không hẳn là điều xấu, nhưng rõ ràng chúng ta đều kỳ vọng hoạt động cho vay tín dụng được kiểm soát. Hệ quả dễ nhận thấy của hoạt động vay tín dụng thiếu kiểm soát là các hoạt động đầu tư không được nghiên cứu và tham khảo đầy đủ và đầu tư lướt sóng.
Theo dõi thị trường bất động sản Việt Nam từ 15 năm qua, ông Matthew Powell chia sẻ, ông từng chứng kiến một số chu kỳ có lượng đầu cơ rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản nhà ở tại Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, đã có những thời điểm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy kinh tế thông qua các khoản vay ngắn và dài hạn để thực hiện một lượng lớn các giao dịch ngắn hạn và đầu tư lướt sóng.
Thị trường do đó trở nên rất sôi động, nhưng đồng nghĩa với việc người vay có thể mất khả năng trả nợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận