Lượng khách di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao nên vấn đề an toàn, an ninh luôn được quan tâm đặc biệt - Ảnh: Khánh Linh |
Phát biểu tại buổi làm việc với các tổng công ty ngành Hàng không hôm qua (16/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, tình trạng chậm huỷ chuyến bay. Đây là các vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh ngành Hàng không đang có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ.
Hàng không duy trì đà tăng trưởng 2 con số
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, trong 4 năm 2012-2015, tổng sản lượng hành khách qua cảng hàng không tăng gần 2 lần, từ 37,6 triệu khách năm 2012 lên 63 triệu khách năm 2015. Tăng trưởng bình quân đạt 19% năm. Doanh thu tăng trưởng bình quân 20% năm. Từ năm 2016, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, ACV vẫn tiếp tục đạt tăng trưởng ở mức 2 con số với tổng sản lượng năm 2016 đạt 81 triệu khách, 7 tháng đầu năm đạt 56 triệu khách, tăng 17% so với cùng kỳ.
Phía TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho biết, 7 tháng đầu năm, Vietnam Airlines thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. “Thông qua việc vận hành hiệu quả một đội tàu bay lớn, hiện đại với tổng số 115 chiếc thuộc các dòng tàu bay mới, tiên tiến của thế giới như: Boeing 787-9, Airbus A350-900, A321,… doanh thu 7 tháng đạt 49 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.100 tỷ đồng, đảm bảo khai thác tuyệt đối an toàn, chất lượng dịch vụ duy trì ổn định 4 sao”, ông Thành nói.
Dư địa phát triển của hàng không là rất lớn Khẳng định trong các phương thức vận chuyển, hàng không là ngành cải cách mạnh mẽ nhất, chuyển biến nhiều nhất, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, triển vọng phát triển của ngành Hàng không là vô cùng lớn, bằng chứng là trục Bắc - Nam hiện là 1 trong 5 đường bay tấp nập nhất trên thế giới. Từ đây, ông Lộc cho rằng, ngành Hàng không cần tiếp tục đổi mới công nghệ, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cạnh tranh để phát triển. Dư địa phát triển của ngành Hàng không là rất lớn. |
Tương tự với TCT Quản lý bay VN (VATM), quyền Chủ tịch HĐTV TCT Phạm Việt Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điều hành bay của TCT đạt hơn 395 nghìn lượt chuyến, tăng 9,18% so với cùng kỳ, tổng doanh thu đạt hơn 1.613 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 464 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, VATM điều hành hơn 733 nghìn chuyến, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 31,2% so với thực hiện năm 2015, lợi nhuận đạt 814 tỷ đồng.
Liên quan đến an toàn, an ninh - vấn đề được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, ông Lại Xuân Thanh cho biết, đây cũng là vấn đề được ACV quán triệt, xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. “Đến nay, tất cả các cảng hàng không đều được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu, đèn đêm, hệ thống cất, hạ cánh chính xác. Hệ thống máy soi chiếu an ninh đã được thay thế theo công nghệ tiệm cận quốc tế”, ông Thanh nói và cho biết, từ năm 2016 đến nay, ACV đã đảm bảo an ninh, an toàn cho hơn 920 nghìn lượt cất, hạ cánh, 137 triệu lượt hành khách.
Giai đoạn 2017-2021, ACV sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng an ninh (hệ thống tường rào, bãi đỗ biệt lập, khu xử lý bom mìn) cũng như trang thiết bị ANHK theo tiêu chuẩn quốc tế với số tiền dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng.
Trước những lo ngại thị trường phát triển nóng sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, đơn vị này luôn giữ vững nguyên tắc an toàn là số một và không đánh đổi nguyên tắc này với bất cứ điều gì. Cho dù luôn phải cắt giảm chi phí trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt, Vietnam Airlines vẫn dành 1 khoản đầu tư xứng đáng vào việc sử dụng các cơ quan quốc tế có uy tín của thế giới tham gia đánh giá, tìm kiếm và khắc phục các điểm yếu trong hệ thống quản lý an toàn, đặc biệt là văn hóa an toàn và ý thức con người.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VATM Phạm Việt Dũng cho biết, sản lượng điều hành bay hàng năm tăng trưởng ở mức 10% đã tạo ra nhiều thách thức với VATM nói riêng và ngành Hàng không nói chung. Do đó, VATM phải luôn chủ động phối hợp với các đơn vị để đảm bảo an toàn cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời. “Hệ thống quản lý an toàn của VATM hiện đạt 81% yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO). Vừa qua, Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay CANSO cũng đánh giá hệ thống quản lý an toàn của TCT đạt mức 3/5 - tương đương với các quốc gia có hệ thống an toàn phát triển trên thế giới”, ông Dũng cho hay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với các tổng công ty ngành Hàng không |
Tuyệt đối không đánh đổi an ninh, an toàn vì mục tiêu tăng trưởng
Khẳng định nếu trong tổng thể, hàng không không phải rộng lớn so với lĩnh vực khác song Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đây là lĩnh vực có đặc thù riêng. “Từ nay đến năm 2030, định hướng 2035, vận tải hành khách vẫn chiếm thị phần lớn và đóng vai trò cực kỳ quan trọng”, Thứ trưởng nói và chỉ rõ: Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn nhất. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đi đường bộ không đáng kể, đi đường biển không nhiều. Đường sắt tốc độ cao nếu có cũng phải cả chục năm nữa. Điều này có nghĩa với việc dư địa để phát triển hàng không rất lớn. Tuy nhiên, tuyệt đối không đánh đổi an toàn, an ninh vì mục tiêu tăng trưởng.
An toàn, an ninh phải được đảm bảo tuyệt đối. Cùng đó phải tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, từ đó nâng chất lượng dịch vụ, trong đó có việc giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay. “Ngoại trừ việc chậm, hủy chuyến do nguyên nhân khách quan như thời tiết, phải khắc phục tối đa các trường hợp chậm, huỷ chuyến do lỗi chủ quan của con người”, Thứ trưởng Thọ chỉ rõ.
Trước đó, theo thông tin của Báo Giao thông, 7 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 162 nghìn chuyến bay, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với việc số lượng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam tăng, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không cũng tăng so với cùng kỳ năm 2016, đạt tới 87,4%, tăng 4,3 điểm so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, Vietnam Airlines có tỷ lệ OTP tăng mạnh nhất, ở mức 6,6 điểm. Jetstar Pacific tăng 5,6 điểm và Vietjet Air tăng 2 điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn. “Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ngành Hàng không đang có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn”, ông Dũng nói và cho biết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để xảy ra tình huống mất an toàn.
Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là việc nâng tần suất cất, hạ cánh để tăng khả năng lưu thoát tại các sân bay. “Chúng ta hay đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người. Liệu có thể nâng công suất của Tân Sơn Nhất không, khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong sân bay Long Thành?”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề.
Thứ ba, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các TCT cần quan tâm hơn nữa đến việc đảm bảo an ninh mạng, không để tái diễn tình huống bị tấn công mạng dẫn tới đình trệ các chuyến bay.
Tình trạng chậm, huỷ chuyến là vấn đề tiếp theo được người đứng đầu VPCP nhấn mạnh tại buổi làm việc. “Trong ngành Hàng không có sự cạnh tranh quyết liệt, phát triển tốt, chất lượng được nâng lên rất nhiều, nhưng tình trạng hủy, hoãn chuyến bay vẫn còn khá cao, được dư luận rất quan tâm. Các bên cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ khắc phục sớm, trước hết là khắc phục các nguyên nhân do lỗi chủ quan dẫn đến tình trạng này”, Bộ trưởng nói.
Cùng với việc yêu cầu đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đề nghị ngành Hàng không cần tận dụng cơ hội để tiếp tục đà tăng trưởng 17-20%/năm thời gian qua. Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị các đơn vị báo cáo rõ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ sắp tới.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các TCT đã hoàn thành 80/84 nhiệm vụ. 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành đều là những nhiệm vụ trong hạn. Kết quả này rất đáng ghi nhận, không phải đơn vị nào cũng đạt được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận