Tiết kiệm 97 tỉ USD nhờ năng lượng tái tạo
Báo cáo mới của tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khí hậu E3G and Ember cho thấy năng lượng gió, mặt trời đã tạo ra lượng điện 345 terawatt giờ tại EU trong giai đoạn tháng 3-9, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, 19 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã đạt sản lượng điện gió, điện mặt trời kỷ lục từ sau tháng 3. Trong số các quốc gia thành viên EU, Ba Lan có mức tăng tỷ lệ phần trăm sản lượng năng lượng tái tạo cao nhất, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Tây Ban Nha có sản lượng năng lượng tái tạo gia tăng nhiều nhất với 7,4 terawatt giờ, giúp quốc gia này tiết kiệm 1,7 tỷ USD chi phí nhập khẩu khí đốt.
Theo báo cáo, sản lượng năng lượng tái tạo tăng kỷ lục đã giúp EU tiết kiệm 97 tỷ USD chi phí nhập khẩu khí đốt trong giai đoạn tháng 3-9. Việc đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan tới căng thẳng giữa phương Tây - Nga xung quanh chiến sự tại Ukraine. Trước đó, vào năm 2020, Nga cung cấp 41% lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu của EU.
Tổ chức E3G and Ember kêu gọi đầu tư vào năng lượng tái tạo để chuẩn bị cho mùa đông tới tại châu Âu. Ảnh - Getty
Theo E3G and Ember, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo còn có thể cao hơn nữa nếu sản lượng điện từ thủy điện không bị giảm 21% do hạn hán trong mùa hè vừa qua.
Tuy nhiên, tổ chức E3G and Ember cũng cảnh báo EU vẫn còn chặng đường dài để đạt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng sản lượng điện của khu vực vào năm 2030.
Điện sản xuất từ khí đốt vẫn chiếm 20% tổng sản lượng điện của EU trong giai đoạn tháng 3-9 vừa qua.
Kỳ vọng năng lượng tái tạo giúp giảm lạm phát tại châu Âu
Báo cáo của E3G and Ember cũng cho rằng giá năng lượng tại châu Âu đang ở mức cao. Việc Nga giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu do vấn đề kỹ thuật liên quan tới các lệnh trừng phạt EU áp đặt với Moscow đã dẫn tới “đợt sốc do lạm phát lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II, thậm chí ảnh hưởng còn lớn hơn khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970”, theo báo cáo.
Vào tháng 9, giá năng lượng tại châu Âu tăng 40,8% so với năm ngoái, khiến lạm phát tăng cao tại châu lục này.
Trước tình trạng trên, một số quốc gia châu Âu đã công bố các gói hỗ trợ tài khóa trị giá hàng trăm tỷ USD để ngăn lạm phát, chủ yếu dưới hình thức trợ cấp giá nhiên liệu hóa thạch dùng cho sưởi ấm. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại châu Âu vẫn phải đối mặt với tình trạng hóa đơn năng lượng “cao ngất ngưởng”.
Báo cáo của E3G and Ember cảnh báo các chính phủ không thể duy trì lâu dài chính sách bù đắp giá năng lượng hóa thạch bởi chi phí quá cao.
EU vừa chật vật tìm cách dự trữ năng lượng tại các cơ sở lưu trữ khí đốt để vượt qua mùa đông này và nguồn cung năng lượng cho mùa xuân tiếp theo vẫn là vấn đề nan giải.
Báo cáo của E3G and Ember cho rằng EU cần chuyển trọng tâm sang các biện pháp dài hạn hơn giải pháp tình thế cho mùa đông sắp tới và đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo có thể hỗ trợ kìm hãm lạm phát tại khu vực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận