Trao đổi với Báo Giao thông ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, diễn ra cuối tuần qua, nhiều ĐBQH cho biết, về cơ bản, các Bộ trưởng đã trả lời được câu hỏi mà ĐB nêu ra, dám nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, vẫn có những Bộ trưởng “câu giờ”, diễn giải dài dòng, chưa đi đúng trọng tâm vấn đề mà các ĐB chất vấn.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM):
ĐB nắm chắc vấn đề, Bộ trưởng không thể né tránh
Phiên chất vấn của kỳ họp này, câu hỏi của ĐB đã rõ ràng, sát sườn hơn, các Bộ trưởng trả lời cụ thể hơn, trách nhiệm cũng đã được nêu ra. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề ĐB phải chất vấn lại một cách rõ ràng với thái độ cương quyết, các Bộ trưởng từ đó mới trả lời thực tế hơn và xác định trách nhiệm của mình. Ví dụ, có một số vấn đề Bộ trưởng trả lời chung chung, đưa thông tin chưa chính xác, trong khi đó ĐB nắm chính xác số liệu, tình hình diễn ra ở đâu… Khi ĐB chứng minh được, các Bộ trưởng mới thừa nhận có trách nhiệm hoặc mới đi thẳng vào vấn đề, không né tránh hoặc trả lời cho qua.
Tôi đặc biệt quan tâm đến cơ chế giám sát để các Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình, đó chính là vấn đề phân cấp và thẩm quyền quyết định phải mạnh hơn nữa. Hiện nay lĩnh vực các Bộ trưởng quán xuyến quá lớn, quá rộng nên không thể nào hết được. Vì thế phải phân định rõ ràng, rạch ròi thẩm quyền, phải giao nhiều hơn các công việc cho chính quyền địa phương. Để các phiên chất vấn sau đạt chất lượng hơn, trước hết ĐB phải nắm chắc, chất vấn đúng chức năng nhiệm vụ của từng Bộ. Người trả lời nên đi thẳng vào những yêu cầu của ĐB đặt ra, trả lời thẳng thắn và tính cầu thị cao hơn.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau):
Đi kiểm tra thực tế để giám sát lời hứa của Bộ trưởng
Nếu bình chọn, tôi thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời sâu và nhiều nội dung hơn dù số lượng câu hỏi rất nhiều. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân mặc dù lần đầu tiên đăng đàn nhưng qua việc trả lời đã thể hiện Bộ trưởng nắm rất sâu vấn đề.
Qua mỗi lần chất vấn đều có nghị quyết nên theo tôi cần bám vào chương trình, lời hứa của Bộ trưởng để tiếp tục giám sát.
Ví dụ, kỳ trước tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về vấn đề chất lượng các tuyến quốc lộ gây bức xúc, Bộ trưởng hứa giải quyết. Trước kỳ họp này, tôi đã đi khảo sát tuyến đường từ đất mũi Cà Mau đến Thừa Thiên- Huế để khảo sát và thực sự thấy vấn đề đã được giải quyết, chứng tỏ giải pháp quyết liệt mà Bộ trưởng Thăng đưa ra đã phát huy hiệu quả. Nói như vậy để thấy rằng trước tiên bản thân các ĐB phải có trách nhiệm giám sát thì mới có tư liệu để tiếp tục chất vấn.
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh):
Không chấp hành nghị quyết coi như vi phạm pháp luật
Qua mấy ngày chất vấn, các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm, về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ trước Quốc hội, trước Chính phủ và nhân dân, cố gắng tối đa để giải trình những việc đã làm. Tuy nhiên, vẫn có những Bộ trưởng hơi “câu giờ”, kéo dài phần trả lời tìm cách rút bớt số lượng câu hỏi.
Sau chất vấn, giám sát thực hiện các nghị quyết chất vấn là việc hết sức quan trọng. Nghị quyết của Quốc hội tương đương với luật nên việc không thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội phải được coi là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, nhiều khi chúng ta chưa làm được như vậy.
Về phía Quốc hội, phải tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết vì văn bản pháp luật đã ban hành mà không giám sát thì văn bản đó sẽ không đi vào thực tế cuộc sống. Thời gian gần đây Quốc hội đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động đó và có một báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, những lời hứa với cử tri. Tuy nhiên, việc này chưa được làm một cách thường xuyên, liên tục.
Về lời hứa của các Bộ trưởng, tôi nghĩ các Bộ trưởng cũng đã cân nhắc khi hứa trước Quốc hội. Bởi điều đó rất quan trọng, nó liên quan đến uy tín của các Bộ trưởng, ảnh hướng đến phiếu tín nhiệm của các Bộ trưởng sau này. Vì thế, phần lớn các lời hứa đã được tính toán căn cơ nên tôi tin sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà ĐB đặt ra quá hóc búa và đột xuất nên các Bộ trưởng có thể chưa đủ thời gian tính toán kĩ những điều kiện khả thi, có thể có những vấn đề không dễ dàng thực hiện.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Vẫn nhận trách nhiệm chung chung
Qua các phiên chất vấn, tôi không thấy Bộ trưởng nào trả lời chất vấn một cách nổi trội cả. Phần trả lời của các Bộ trưởng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, vì chưa đánh giá thực chất vấn đề đặt ra. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tâm huyết hơn nhưng thực hiện hay không còn là cả một vấn đề. Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Quân mà tôi đã chất vấn mới chỉ đáp ứng một phần nên tôi đã phải đăng ký hỏi lại lần 2. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn chưa trả lời rõ mà mới chỉ nhận trách nhiệm và hứa sắp tới sẽ sửa chữa chứ không chỉ rõ thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, tôi không hài lòng về việc các Bộ trưởng còn nhận trách nhiệm theo kiểu chung chung và không cụ thể trách nhiệm của mình là gì.
Là đại diện của dân nên trong các phiên chất vấn tôi rất muốn “truy” đến cùng để làm rõ sự việc, giúp người dân hiểu việc đó đã được giải quyết hay chưa, thậm chí có Bộ trưởng tôi bấm nút chất vấn ba lần. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, phải dành cho các đại biểu khác chất vấn nữa nên nhiều khi tôi không thể “truy” được đến cùng sự việc, điều này làm tôi rất băn khoăn.
Ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư): Các Bộ trưởng đều đã phần nào nhìn nhận trách nhiệm của mình, tuy nhận còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Tuy vậy việc đưa ra phương hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề ĐB nêu còn chưa cụ thể. Nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, cũng nên thông cảm, nhiều vấn đề không thể giải quyết dứt điểm ngay được vì nó liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau. Dĩ nhiên, với vấn đề cụ thể các Bộ trưởng cần đưa ra lời hứa thiết thực hơn để các cử tri và ĐBQH dễ đo đếm, kiểm tra, giám sát. Việc kiểm chứng lời hứa của Bộ trưởng đã được thực hiện đến đâu hay nếu không làm được, trách nhiệm thuộc về ai thì rất khó xác định. Thời gian qua kết quả giám sát chưa cao, chưa rõ ràng, nên tôi nghĩ tới đây, Quốc hội phải làm thế nào nhằm thực hiện tốt việc giám sát nghị quyết sau chất vấn, để mỗi việc đã công khai, đã hứa hẹn trước Quốc hội, trước nhân dân phải có sự tiến bộ và đạt kết quả tốt. Bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách ĐBQH bà Châu Thị Thu Nga Trong tuần làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ có phiên họp riêng để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) vào chiều 17/6. Sau đó, chiều 18/6, Quốc hội sẽ tiếp tục họp riêng để bỏ phiếu, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga. Trước đó, vào tối 7/1, cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Châu Thị Thu Nga (SN 1965, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cũng trong khuôn khổ của tuần làm việc thứ 5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Thú y. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận