Y tế

Giảm stress, trầm cảm cho nhân viên y tế trong mùa dịch cách nào?

18/07/2021, 10:08

Với cuộc chiến Covid-19 cam go hiện nay tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đội ngũ nhân viên y tế đang gặp nhiều thách thức bởi áp lực lớn...

img

Cường độ, áp lực công việc lớn dễ khiến nhân viên y tế mệt mỏi, stress (Trong ảnh: Bác sĩ, y tá hỗ trợ nữ đồng nghiệp bị kiệt sức khi tham gia chống dịch ở Bắc Ninh)

Theo chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhân viên y tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19 khi họ là lực lượng trực chiến trong suốt hai năm qua. Đặc biệt, tại các đơn vị Hồi sức cấp cứu và tâm dịch các tỉnh, thành phía Nam hiện nay, áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ cực lớn.

Trầm cảm bởi cách ly và áp lực công việc

Là người có mặt trong “trận chiến” Covid-19 đầy khốc liệt ở Đà Nẵng (tháng 8/2020), BS. Bùi Văn San, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Ở thời điểm đó, chúng tôi được điều động vào Đà Nẵng với nhiệm vụ ổn định tâm lý cho các nhân viên y tế. Tình hình dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly, tâm lý căng thẳng, sợ lây lan không chỉ với người dân mà y, bác sĩ cũng rất lo lắng. Chúng tôi hiểu rằng, đội ngũ thầy thuốc những ngày thường đã làm việc căng thẳng, khi dịch bệnh xảy ra phải gồng mình để làm việc. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng trong công việc dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sẽ rất nguy hiểm”.

“Với cuộc chiến Covid-19 cam go hiện nay tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đội ngũ nhân viên y tế đang gặp nhiều thách thức bởi áp lực lớn trước số ca bệnh Covid-19 đang ngày càng tăng”, BS. San chia sẻ.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E cho biết, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra có 3 vấn đề nhân viên y tế hay gặp nhất: Lo âu, trầm cảm, stress với tỷ lệ được ghi nhận lên tới mức 67,55%, 55,89% và 62,99%.

“Nơi hệ thống y tế bị “vỡ trận”, tỷ lệ lo âu, trầm cảm và căng thẳng sẽ còn ở mức cao hơn. Trong đó, y tá, lao động nữ, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên y tế trẻ, nhân viên y tế làm trong khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ dễ gặp phải những vấn đề rối loạn sức khỏe tâm thần trên nhiều nhất”, BS. Chung cho hay.

Mặc dù, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế nhưng bác sĩ Chung tin rằng số lượng nhân viên y tế tại Việt Nam gặp phải các vấn đề như: Trầm cảm, lo âu, stress không hề nhỏ.

Một trong những rối loạn thường gặp nhất đối với nhân viên y tế trong mùa dịch bệnh chính là stress. Trong đó, stress đối với cơ thể: Cơ thể chịu nóng trong bộ đồ bảo hộ, nhiều công việc cần giải quyết, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ dẫn tới kiệt sức, mất ngủ, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ...

Ngoài ra là các stress tinh thần như lo sợ bị nhiễm bệnh, áp lực từ người bệnh cần được điều trị, người được cách ly, luôn trong trạng thái sẵn sàng điều động chống dịch và nỗi nhớ gia đình, người thân… Tình trạng này kéo dài không chỉ làm giảm hiệu suất lao động mà còn tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm.

Làm gì để giảm stress cho nhân viên y tế?

“Không chỉ các đồng nghiệp, ngay bản thân chúng tôi nếu với cường độ làm việc cao, thời gian cách ly dài, ít giao tiếp, sự lo lắng khả năng lây nhiễm bệnh… như trong thời gian ở Đà Nẵng cũng chắc chắn có sự căng thẳng tâm lý. Được trò chuyện, chia sẻ, ủng hộ từ người thân, đồng nghiệp và xã hội cũng là liệu pháp giúp giải tỏa stress cho nhân viên y tế đang làm việc trong vùng dịch”, BS. San cho hay.

Còn theo BS. Chung, để giảm bớt tình trạng căng thẳng khi làm việc, mỗi nhân viên y tế cần hiểu rằng, mỗi việc mình đang làm được thúc đẩy bằng ý nghĩa công việc của mình là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, an toàn cho xã hội và cả chính những người thân yêu của mình. Đó là một nhiệm vụ cao cả.

“Cần ăn đủ chất, đủ bữa, duy trì cân nặng hợp lý; Tránh sử dụng quá mức nicotine, caffeine và các chất kích thích khác; ngủ đủ và đúng nhịp sinh học sẽ giúp bạn hạn chế căng thẳng; Duy trì lối sống tinh thần lành mạnh bằng cách thiết lập các mối quan hệ có lợi, giúp đỡ lẫn nhau ngay cả trong khu cách ly”, BS. Chung đưa ra lời khuyên.

Cũng theo BS. Chung, việc dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tinh thần của nhân viên tham gia chống dịch. Do vậy, để nhân viên y tế không rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, stress, cần phải hỗ trợ cho họ, cũng như tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức hợp tác, ủng hộ công việc của họ.

“Khi nhân viên y tế gặp bất cứ những triệu chứng rối loạn như: Mất ngủ, khó ngủ, mệt mỏi nhiều, lo âu… thì nên đi khám sớm để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời”, BS. Chung lưu ý thêm.

Theo báo cáo mới nhất (tháng 4/2021) của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, có khoảng 7.000 nhân viên y tế tử vong và 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế - xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc.

Số liệu thống kê cho thấy, trên toàn cầu cứ 5 người thì có 1 nhân viên chăm sóc y tế có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ nhân viên y tế tuyến đầu bị trầm cảm lên tới 50,3%, lo lắng 44,6% và 34% người được khảo sát bị mất ngủ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.