Ảnh minh họa |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 18 về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, chuyên gia của Ban Tổ chức T.Ư (Ban Tổ chức T.Ư là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết này) đã khái quát những “hồn cốt” của Nghị quyết.
Theo ông Hà, nói đến tổ chức bộ máy là động chạm đến con người, tâm tư tình cảm, đời sống, lợi ích, thậm chí có cả lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ, vì thế nên rất phức tạp. Nếu làm đồng loạt, tổng thể nhiều nội dung công việc sẽ có tác động rất lớn nên Bộ Chính trị quyết định tập trung vào một số vấn đề. Vấn đề nào đã rõ, đã chín, vấn đề có sự thống nhất cao thì làm trước.
Một thực tế được ông Hà chỉ ra, so với nhiệm kỳ trước, Chính phủ nhiệm kỳ này đã giảm được còn 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ, tuy nhiên, các Tổng cục bên trong lại tăng gấp đôi, các Cục, Vụ, phòng, ban bên trong cũng tăng lên rất nhiều. Cùng với đó là tỷ lệ lãnh đạo, cấp phó quá lớn, thậm chí có địa phương 1 Sở mà 44/46 người làm lãnh đạo. Quan điểm mới trong Nghị quyết là một cơ quan tổ chức có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, không ai chịu trách nhiệm.
Ông Hà nêu một thực tế khác được T.Ư nhận định, đó là đơn vị hành chính của ta rất manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt. Bằng chứng là năm 1986, chúng ta chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 535 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 10 nghìn đơn vị hành chính cấp xã. Nhưng sau 30 năm, đến nay tăng 19 tỉnh, 178 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã; có đến 724 xã không đạt 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là những xã, thôn bé nhỏ quá thì nhập lại để tăng nguồn lực và giảm kinh phí, giảm biên chế.
Về mục tiêu giảm chi thường xuyên để tiết kiệm được như Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập trên diễn đàn Quốc hội, ông Hà cho rằng có nhiều cách. Trước hết có thể nhập những xã, huyện nhỏ như trên. Tiếp đến, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó, từ đó sẽ giảm được rất nhiều thứ như phụ cấp, trụ sở, xe cộ... Đặc biệt, theo ông Hà, mấy nhiệm kỳ gần đây, xu hướng số lượng cấp uỷ ở cả T.Ư và các địa phương đều tăng lên, cộng với giảm cả số lượng đại biểu HĐND thì sẽ giảm được rất nhiều thứ nữa. “Nếu giảm được tỷ lệ thích hợp thì một năm, riêng tiền phụ cấp cho các Ủy viên cấp ủy, đại biểu HĐND xã, huyện, tỉnh thì tiết kiệm được 1 nghìn tỷ đồng/năm”, ông Hà nói và cho rằng, đó là chưa kể đến các chi phí về tài liệu, họp hành...
Đặc biệt, theo Nghị quyết này, nếu thành lập bộ máy từ cấp Cục, Vụ trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị, khắc phục tư duy cục bộ của các Bộ, ngành. “Lần này có chế tài quyết liệt hơn chứ không thể để các đơn vị tự vẽ ra bộ máy được”, ông Hà nói và thông tin, lần này sẽ quy định số lượng tối thiểu để lập cấp phòng, cấp vụ là bao nhiêu, không thể có tình trạng một Vụ có 4 người gồm 1 trưởng 3 phó và dứt khoát không để lập phòng trong Vụ.
Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết này, theo ông Hà sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan và của từng tổ chức bên trong cơ quan đó. Thứ hai, thu gọn được rất nhiều đầu mối, đặc biệt là đầu mối bên trong để giảm được biên chế, giảm phụ cấp, giảm chi thường xuyên. Thứ ba là giảm được cấp phó cùng rất nhiều thứ đi kèm. Và đặc biệt, từ nay đến năm 2021 phải đạt mục tiêu tinh giản 10% biên chế. Hiện, chúng ta có 4 triệu người hưởng lương ngân sách, tức là phải giảm được khoảng 400.000 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận