Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được đúc kết từ những nguyên tắc cơ bản và đầy đủ nhất cho giãn cách xã hội. Đây được xem là quyết định pháp lý cao nhất áp dụng trong giai đoạn phòng, chống dịch hiện nay.
Chủ quán karaoke Ái Liên, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, Cần Thơ làm việc với cơ quan công an vì mở cửa cho 11 người vào hát trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VOV
Việc triển khai không cho phép một sơ suất nào bởi hậu quả thật khó lường.
Tổng hợp qua nhiều địa phương và các đợt dịch cho thấy, mọi sơ suất đều phải trả giá và đã có bài học cụ thể ở những địa phương làm lỏng lẻo hay những địa phương khống chế thành công.
Ghi nhận tại nhiều địa phương, quá trình thực hiện giãn cách đã huy động hầu như toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc.
Tuy nhiên giãn cách đang buộc cuộc sống người dân và doanh nghiệp trở nên khó khăn. Lúc này rất cần những nắm bắt cụ thể, thu thập và theo dõi cuộc sống hàng ngày của người nghèo, người lao động thu nhập thấp để tham mưu chính quyền ứng cứu nhanh nhất có thể.
Nhưng thực tế công tác này chưa triệt để và nếu có thì chưa rõ ràng. Chưa thấy công bố chi tiết nào về danh sách số hộ dân khó khăn cần cứu giúp tại mỗi địa phương, trong khi nguồn lực xã hội thì không thiếu sự tương trợ.
Nếu việc làm này có sự tham gia mạnh mẽ từ các cơ quan dân vận, liên đoàn lao động, hội phụ nữ... nơi có hệ thống từ cấp tỉnh tới cấp xã phường, thực hiện sâu sát hơn, người dân được yên tâm hơn, không phải ra đường tìm cách mưu sinh thì việc thực thi giãn cách mới có tác dụng hơn.
Việc hạn chế đi lại, giao tiếp giữa người với người là quan trọng nhất trong lúc này. Ở các trục đường chính hầu như được kiểm soát chặt chẽ, trong khi bên trong các con hẻm, khu dân cư, dãy nhà trọ (là nơi ý thức của người dân chưa cao và nhóm dễ lây lan nhất)… còn bỏ ngỏ. Nhiều gia đình còn qua lại với nhau, hàng xóm, họ hàng còn gặp gỡ, chưa kể tụ họp để bàn chuyện.
Trường hợp 11 người tụ tập hát karaoke ở Thốt Nốt, Cần Thơ hay 21 người nhiễm virus trong 1 đám tang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một ví dụ rõ nét cho “chặt bên ngoài, lỏng bên trong”; hay việc rất nhiều người dân, shipper bị phạt trong 2 ngày qua ở Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác cho thấy ý thức chấp hành chưa cao.
Ở góc độ khác, việc nghiêm ở trên nhưng sự thiếu kiên quyết và hiểu biết ở cấp thực thi vẫn còn là điểm khuyết. Câu chuyện “ổ bánh mì”, rồi mì gói... nay đến chả lụa, đi rút tiền, tiền ngân hàng điều chuyển... “có phải là thiết yếu không?”, đang đặt ra nhiều khó khăn cho khâu thực thi.
Bộ phận kiểm soát và người dân luôn tranh cãi cái gì là thiết yếu để giành quyền đi lại hay đưa vào khung chế tài, song chúng ta lại không chú trọng nhiều đến việc thấu hiểu tâm lý của người dân và kiên quyết trong giãn cách.
Giấy cam kết của địa phương cho việc đi lại thì rất khó đo lường, trong khi phiếu mua hàng là sáng kiến nhưng mua ở đâu, ngày nào mới là hợp lý với dân… không được ấn định.
Mỗi khu phố đều có cửa hàng y tế, hàng thiết yếu và nếu được ghi rõ vào đó thì người dân sẽ không có lý do để đi đến phạm vi xa hơn, khi đó việc kiểm soát mới được chặt chẽ hơn.
Ở thời điểm hiện nay, những lỗ hổng khi thực hiện giãn cách đang là mối lo lớn ở các tỉnh còn lại. Lúc này cần lấp ngay những lỗ hổng này và tuyên truyền, chế tài để người dân chấp hành giãn cách là quan trọng nhất.
Chỉ khi nào Chỉ thị 16 được thực hiện nghiêm với những lỗ hổng được khắc phục, mỗi địa phương có giãn cách thực, khi đó mới ngăn chặn được sự lây nhiễm và tái lập lại trạng thái bình thường mới. Nếu không, giãn cách sẽ phải kéo dài không biết ngày kết thúc.
Nguyễn Phương Lam (Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận