Xã hội

Gian dối thông tin thuỷ ngân, Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm gì?

10/09/2019, 11:25

Các luật sư cho rằng, Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm về việc giấu diếm, khai báo gian dối thông tin thuỷ ngân sau vụ cháy.

img
Nhiều người đến cổng Công ty Rạng Đông đòi bồi thường sau vụ cháy

Vụ cháy khủng khiếp tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nguy cơ ô nhiễm thuỷ ngân sau vụ cháy và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe cộng đồng.

Và điều khiến dân chúng bức xúc là thái độ gian dối, bưng bít thông tin, cách hành xử lập lờ, vô trách nhiệm của Công ty Rạng Đông trước sinh mệnh của những người dân sống xung quanh khu vực cháy.

Phải bồi thường vì sự chậm trễ, gian dối

Sáng 10/9, trả lời PV Báo Giao thông, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, việc sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ như thuỷ ngân phải được quản lý một cách đặc biệt. Hiện việc Công ty Rạng Đông đã quản lý thuỷ ngân đúng quy định chưa, và nguyên nhân vụ cháy là gì, còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, có thể khẳng định, Công ty Rạng Đông đã phản ứng rất chậm trễ, thậm chí gian dối trong công bố thông tin.

Công ty này đã lập lờ rằng, đưa vào nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016, nên các sản phẩm bị cháy đều vô hại với môi trường. Mãi cho đến khi Tổng cục Môi trường đấu tranh, lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).

"Lẽ ra, sau vụ cháy, Công ty Rạng Đông phải nhanh chóng công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, đưa ra giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả, để những người có nguy cơ bị nhiễm thủy ngân đi đến trung tâm y tế, bệnh viện để kiểm tra", luật sư Tú nhìn nhận.

Do đó, theo luật sư Tú, dù cơ quan CSĐT xác định Công ty Rạng Đông có lỗi hay không có lỗi trong vụ cháy, thì Công ty Rạng Đông cũng phải có trách nhiệm trong việc để thuỷ ngân phát tán, gây thiệt hại cho những người xung quanh. Bởi thủy ngân là hóa chất độc hại, được xếp vào nguồn nguy hiểm cao độ.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa vào khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Cần khởi tố vụ án hình sự

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội nhận định, vụ cháy Công ty Rạng Đông đã gây ra hậu quả xã hội rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và có thể coi đây là một thảm hoạ môi trường mang tính cục bộ.

“Theo tôi cần khởi tố vụ án theo điều 313 của Bộ luật Hình sự liên quan đến vi phạm về các quy định phòng cháy, chữa cháy để xem xét xem có lỗi hay có dấu hiệu hình sự ở trong vụ việc này. Cần xác định việc nhập, bảo quản, sử dụng thuỷ ngân lỏng của Công ty Rạng Đông có đúng quy định không. Công ty này đã tìm cách tránh tội, giảm mức độ nguy hiểm của sự cố bằng cách gian dối trong báo cáo. Do đó, cần khởi tố và điều tra, làm rõ toàn bộ mới khẳng định được ai là người thực hiện các hành vi đó", luật sư Thiệp nói.

Theo luật sư Thiệp, nếu xác định được Công ty Rạng Đông có lỗi trong quy trình quản lý, sử dụng thuỷ ngân lỏng, khai báo gian dối, thì đương nhiên, Công ty Rạng Đông sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi hành vi đó.

Trong trường hợp này thuộc vào dạng đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chính vì vậy sẽ tuân theo các quy định của pháp luật. Nếu như khởi tố vụ án hình sự sẽ có trình tự tố tụng, lúc đó những người dân sẽ trở thành người bị hại.

"Trong trường hợp này, nếu chứng minh được Công ty Rạng Đông có lỗi, là hành vi trực tiếp gây ra các thiệt hại ảnh hưởng đến sức khoẻ, điều kiện kinh tế, thay đổi chỗ ở, mất sinh kế… của người dân, nhưng nếu người dân bị thiệt hại nhưng không có thống kê và chứng minh cụ thể sẽ rất thiệt thòi cho họ", luật sư Thiệp khuyến cáo

Về việc UBND quận Thanh Xuân thu hồi thông báo của UBND phường Hạ Đình vì “không đúng thẩm quyền” là quá máy móc, theo luật sư Thiệp, đó là sự vô cảm, vô trách nhiệm và né tránh trách nhiệm. UBND phường Hạ Đình đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và họ đang phụng sự, quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì khuyến cáo đó không làm nghiêm trọng và xấu đi hình ảnh của chính quyền mà thể hiện trách nhiệm của chính quyền. Nếu có hiện tượng, phát hiện chỉ cần bằng cảm quan thì UBND phường đã có thể ra thông báo đó để giảm thiểu các thiệt hại. Còn về sau, có thể chờ các cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định mức độ.

Việc cảnh báo này UBND phường Hạ Đình đã làm nhưng sau đó lại bị thu hồi, thì hậu quả pháp lý của việc thu hồi đó có ảnh hưởng đến người dân hay không, chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu các cấp cao hơn nữa của quận Thanh Xuân phải xem xét việc kỷ luật những người đã vội vàng, hấp tấp và vô cảm với hậu quả của vụ cháy này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.