Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất
Bà đánh giá như thế nào về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX thời gian qua. Hiện công tác này đang được Tổng cục Đường bộ VN thực hiện quản lý ra sao, thưa bà?
Thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp theo hướng hiện đại, hội nhập, công khai minh bạch; vừa đẩy mạnh xã hội hóa, vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như: Ban hành các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng chế độ, chính sách, phương pháp tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để các địa phương có đủ căn cứ tổ chức thực hiện.
Đến nay, chúng ta đã có đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo lái xe; Cùng đó, đã quy định cụ thể giáo trình, thời gian, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn mang tính chất thủ công, hành chính, qua hồ sơ sổ sách lưu trữ, chưa giám sát liên tục quá trình đào tạo, nên có hiện tượng một số cơ sở đào tạo rút ngắn chương trình giảng dạy.
Bà có thể nói rõ hơn về thông tin mất GPLX phải thi lại?
Thời gian qua, chúng tôi nhận được thông tin, phản ánh từ Cục CSGT cũng như công an các địa phương về việc hàng chục nghìn GPLX bị tạm giữ nhưng người dân không đến nhận GPLX. Nhiều người có GPLX đã bị thu giữ nhưng cố tình gian dối để đến cơ quan cấp GPLX xin cấp lại do phí cấp đổi chỉ có 135.000 đồng. Ngoài ra, cũng có nhiều người cố tình khai báo, báo mất để xin cấp lại GPLX nhằm sử dụng nhiều GPLX không đúng mục đích.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu có chế tài xử lý đối với những trường hợp này. Ngoài ra, sắp tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với Cục CSGT kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT nhằm tạo điều kiện cho các ngành khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với GPLX và xử lý vi phạm.
Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ VN rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối để được cấp lại GPLX. Tổng cục Đường bộ VN cũng sẽ nghiên cứu đối với một số trường hợp gian dối, cố tình khai báo không đúng để được cấp GPLX có thể sẽ phải sát hạch lại.
Khi người dân mất GPLX, cần phải làm những gì để được cấp lại, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thưa bà?
Thủ tục cấp lại GPLX được quy định tại Điều 36, Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Hiện dữ liệu GPLX được Tổng cục lưu trữ bằng hệ thống phần mềm điện tử. Nếu trước đây, những người mất GPLX hoặc hết thời hạn muốn cấp lại phải mang hồ sơ gốc qua các sở GTVT, Tổng cục đề nghị cấp lại, thì nay, người dân chỉ cần mang GPLX gốc hoặc chứng minh thư/căn cước công dân ra các đơn vị để đề nghị cấp lại. Lệ phí cấp lại GPLX là 135.000 đồng/lần.
Người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại GPLX. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại GPLX theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này; Hồ sơ gốc phù hợp với GPLX (nếu có); Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại GPLX không thời hạn các hạng A1, A2, A3; Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại GPLX tại Tổng cục Đường bộ VN hoặc Sở GTVT, người lái xe gửi 1 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại GPLX.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sát hạch, cấp GPLX
Năm 2016 có trên 61.000 GPLX bị tước quyền sử dụng. Năm 2017 trên 111.000 trường hợp và năm 2018 là trên 93.000 trường hợp. Tuy nhiên, hiện chưa cập nhật được số lượng GPLX bị tạm giữ quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý. Theo báo cáo của 27 Sở GTVT, năm 2018 đã gần 10.000 GPLX bị tạm giữ, trong đó có gần 3.000 GPLX ô tô và gần 7.000 GPLX mô tô.
Để quản lý vi phạm của người lái xe, Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với Cục CSGT cập nhật các trường hợp GPLX bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng vào phần mềm quản lý vi phạm trong hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sử dụng người lái xe có thể truy cập vào dữ liệu này.
Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe. Tới đây, Tổng cục Đường bộ VN sẽ triển khai những giải pháp gì để quản lý tốt và nâng cao chất lượng công tác này, thưa bà?
Về công tác đào tạo, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm; Triển khai thực hiện các quy định mới bổ sung của Nghị định số 138/2018 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Theo đó, các cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ, lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên. Thông qua việc ứng dụng thiết bị giám sát này, chỉ có học viên học đủ thời gian và số kilomet thực hành lái xe trên đường mới được tham dự sát hạch.
Ngoài ra, để tăng cường chất lượng đào tạo, học viên được học kỹ thuật xử lý các tình huống giao thông và thực hành lái xe trên phần mềm mô phỏng và cabin tập lái xe.
Về công tác sát hạch lái xe, Bộ GTVT xác định là khâu quan trọng, nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học trước khi cấp GPLX. Bộ GTVT luôn chú trọng việc giám sát quá trình tổ chức kỳ sát hạch. Để hạn chế sự tác động của con người vào kết quả sát hạch, Bộ GTVT đã thực hiện tự động hóa chấm điểm các nội dung sát hạch và công khai quá trình, kết quả sát hạch. Với việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ chấm điểm tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong sa hình, lái xe trên đường, quá trình sát hạch lái xe được thực hiện công khai minh bạch, có sự giám sát độc lập của thanh tra giao thông nên đã hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch. Từ đó, chất lượng sát hạch được nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp nhất; được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao. Hiện nay, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe từ 50 đến 65%.
Thời gian tới, để tăng cường giám sát quá trình sát hạch, Bộ GTVT đã quy định lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe và công khai dữ liệu giám sát tại trung tâm sát hạch, Tổng cục Đường bộ VN và sở GTVT.
Cảm ơn bà!
Bộ GTVT yêu cầu siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành Văn bản số 2067 yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước.
Văn bản của Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Đường bộ VN cần phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm.
“Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời đề xuất các các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX”, Bộ GTVT yêu cầu.
Trần Duy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận