Cầu Rạch Miễu nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, một trong những công trình do Tedi tư vấn thiết kế - Ảnh: Tạ Tôn |
Nghề thiết kế lắm gian truân
Nguyên tổng giám đốc TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) Nguyễn Ngọc Long (nay là Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN) từng tâm sự: “Nghề tư vấn xây dựng, khảo sát thiết kế công trình vô cùng khó khăn. Người tư vấn luôn là những người mở đường, cho nên gian khổ có thừa”.
Có đi và chứng kiến mới biết, nghề tư vấn thiết kế lắm gian truân. Đi trên những con đường gần như nguyên thủy, cây cối đan xen tầng cao, tầng thấp. Khi mới mở hướng tuyến như ở cầu Đắk Rông, Mỹ Thuận, QL279, Đường Hồ Chí Minh, QL6, Sơn La - Lai Châu, Hà Nội - Lạng Sơn... trên các thân cây, các kỹ sư, công nhân khảo sát đánh dấu bằng sơn đỏ, xanh những “điểm đầu”, “điểm cuối”, dấu cộng (+) dấu trừ (-) thể hiện điểm phải đắp thêm vào hoặc điểm phải đào bớt đi. Những con đường qua khu rừng rậm, khu đầm lầy, nguy hiểm luôn rình rập họ: Ong vò vẽ, rắn độc, muỗi, vắt và thú dữ.
"Hiện nay, TEDI hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy nhiên bộ máy luôn tách bạch rõ ràng giữa bộ phận quản lý và bộ phận điều hành. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp cho giai đoạn tới, trong đó tiếp tục xác định tư vấn giao thông vẫn là ngành nghề chủ lực”. Ông Phạm Hữu Sơn |
Có người nói: “Cuộc sống người khảo sát thiết kế thơ mộng tự do, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ”. Nhưng lạc quan mơ mộng thì có, còn công việc không phải vậy. Thời bao cấp cũng như thời kinh tế thị trường, công việc này đều được tính toán và giao kế hoạch cùng tiến độ sát sao. Những ngày mưa rừng, nằm trong các lán trại tạm trong rừng sâu, nghe mưa rơi tí tách, “ruột gan” anh em như lửa đốt. Lương thực đem theo có hạn, phải mua thêm sắn luộc, ngô luộc ăn trừ bữa, không có thịt lợn, rau muống, rau cải thì hái rau tàu bay, hoa chuối rừng, luộc nhiều lần cho bớt chát chấm muối lạc, cá khô....
Hàng chục năm trước, phương tiện di chuyển của họ là xe đạp, xe ba gác chở máy móc thiết bị. Cả tháng trời sống trong rừng, họ chỉ có chiếc đài thu thanh làm bạn. Những chuyến đi biền biệt 2 - 3 tháng ròng mới về đơn vị nhận lương và thăm nhà. Có anh “lười” cạo râu, khuôn mặt hốc hác, râu ria xồm xoàm như Rôbinsơn. Những cán bộ, công nhân của TEDI cũng phải có sức khỏe rất tốt mới có thể thực hiện được công việc trong điều kiện làm việc khắc khổ như vậy.
Ở hiện trường, nếu người tư vấn thiết kế phải vất vả với nắng mưa, bụi đường, thời tiết khắc nghiệt để thu thập số liệu chính xác, thì công việc văn phòng của người “ở nhà” cũng căng thẳng không kém. Tôi nhiều lần chứng kiến họ làm việc quên ăn, bất kể giờ giấc. Có những lúc cần đáp ứng cho đơn vị thi công, các phòng thiết kế ánh đèn điện sáng thâu đêm. Thống nhất phương án tối ưu ngày hôm sau đã có một nhóm công tác quay lại hiện trường để xác minh lại, so sánh lại với phương án cũ, thật chắc chắn mới trình lãnh đạo.
“Cứ ngơi tay là hết tiền”
Tâm sự với chúng tôi, ông Phạm Hữu Sơn, người đã gắn bó hàng chục năm với nghề tư vấn thiết kế, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc TEDI chia sẻ: “Nhiều người thường ví tư vấn thiết kế giống như “bộ não” của các công trình. Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Nhưng theo tôi, người đưa ra chủ trương mới là quan trọng nhất, còn việc thực hiện chủ trương sẽ cần bàn tay của người tư vấn”.
“Tôi cho rằng, lãng phí lớn nhất chính là lãng phí từ đầu tư. Dự án, công trình đầu tư không phát huy hết hiệu quả sẽ dẫn tới lãng phí. Tư vấn của dự án lựa chọn giải pháp kết cấu, cách thức xử lý không phù hợp chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ. Vai trò của tư vấn độc lập trong việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo để đưa ra các chủ trương đầu tư là rất lớn. Tư vấn độc lập mà cứ đi nói theo là sẽ có chuyện, đôi khi tưởng là giúp lãnh đạo nhưng thực tế lại trở thành hại nhau”, ông Sơn nói.
Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trải qua nhiều cung bậc thăng trầm với hơn 10 lần thay đổi, điều chỉnh cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động, từ tháng 6/2014, TEDI chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến tháng 5/2016, TEDI hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước, trở thành công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh. “Bây giờ, doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, nhưng chúng tôi luôn cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT, trách nhiệm của TEDI với ngành GTVT sẽ vẫn như trước và không có gì thay đổi”.
Mặc dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy nhiên, bộ máy của TEDI tách bạch rõ ràng giữa bộ phận quản lý và điều hành. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp cho giai đoạn tới, trong đó, tư vấn giao thông vẫn là ngành nghề chủ lực. “Trong dư luận, vẫn có ý kiến cho rằng, TEDI có một số lợi thế để kinh doanh bất động sản hay có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, nhưng quan điểm nhất quán của chúng tôi là làm gì thì làm cũng phải sống bằng ngành nghề chính của mình, muốn đột biến cũng phải đột biến trên cơ sở ngành nghề chính của mình, bởi tư vấn là ngành nghề đặc thù, nguồn nhân lực mới chính là nguồn tài sản lớn nhất của doanh nghiệp”, ông Sơn chia sẻ.
“Ở đâu đó người ta vẫn đồn thổi, TEDI giàu lắm nhưng tôi chia sẻ thực sự, với nghề tư vấn cứ ngơi tay là hết tiền. Đối với dự án mở rộng QL1 vừa qua, TEDI là đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm quản lý tổng thể nhưng thực tế chỉ thu được 4 tỷ đồng. Thực sự nếu không phải TEDI thì chẳng ai có thể làm việc đó cả. Rất nhiều cái chúng tôi phải lăn lộn vào làm chứ không phải cái gì cũng tính tiền. Mỗi đơn vị có những vai trò, vị trí khác nhau, riêng chúng tôi luôn xác định đã làm nghề tư vấn có những lúc không thể tính đến tiền”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận