Chiều 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Sau cuộc họp, ngày 24/4, ông Phan Viết Lượng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thông tin với PV Báo Giao thông về nội dung buổi làm việc này.
Ông Lượng cho biết, báo cáo bằng văn bản của 2 Bộ hầu hết là các thông tin mà báo chí đã đăng tải.
Bộ Giáo dục- Đào tạo đã báo cáo về số thí sinh, số lượng bài thi, được phát hiện sửa, nâng điểm tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
Trong khi đó, Bộ Công an cho biết, việc tìm lại điểm thi gốc rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, cơ quan điều tra mới khôi phục được điểm vì bài thi trắc nghiệm nên không biết khoanh tròn nào là của học sinh, khoanh tròn nào là của người sửa bài; Đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo rà soát đầy đủ thí sinh liên quan, điều chỉnh lại quy chế, xử nghiêm người đứng đầu
Theo ông Lượng, sau khi nghe báo cáo giải trình và trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Thường trực Ủy ban đã đưa ra những đề nghị cụ thể cho các Bộ.
Cụ thể, với Bộ Giáo dục- Đào tạo, Ủy ban đề nghị rà soát, tổng hợp lại toàn bộ các thí sinh có liên quan đến việc sửa điểm. Ngoài 12 thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La hiện về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển và đang tiếp tục được theo học, cần thống kê đầy đủ số lượng thí sinh, trong đó có tỉnh Hà Giang. Bộ phải nắm chắc về số lượng đối tượng này, để nếu có gian lận, xử lý cho nghiêm và đầy đủ, không bỏ sót ai.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo xem xét, đối chiếu các quy định đối với các thí sinh như việc sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp không hợp pháp, đánh giá xem việc thực hiện thế nào đối với các em về điểm thật nhưng đủ điểm chuẩn và đang theo học.
Ủy ban cơ bản đồng tình với giải thích của Bộ Giáo dục- Đào tạo là tạm thời vẫn để các em theo học. Sau khi có kết luận điều tra, tiếp tục căn cứ vào đó cũng như các quy định khác để có quyết định cuối cùng.
Cùng với đó, Ủy ban cũng đề nghị Bộ rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế thi cho phù hợp, khắc phục và xử lý những vi phạm liên quan đến gian lận điểm như kỳ thi năm 2018 nhằm đảm bảo sự công bằng. Có thể nghiên cứu những quy định liên quan đến đối tượng là phụ huynh, người thân. “Phải điều chỉnh lại quy chế để trong trường hợp phát hiện phụ huynh, người thân có tác động sửa điểm là có thể hủy bỏ kết quả, không cần biết điểm thực của thí sinh có đủ điểm đỗ hay không”, ông Lượng nói.
Đặc biệt, Ủy ban cũng đề nghị Bộ phối hợp với các cơ quan trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm. Chẳng hạn như phó giám đốc Sở GD-ĐT, trưởng phòng khảo thí, rồi chuyên viên vi phạm, bị khởi tố điều tra thì cũng phải xem xét trách nhiệm giám đốc sở đó.
Theo ông Lượng, cần phải chấn chỉnh những sai phạm trong ngành giáo dục để răn đe cho những nơi khác khi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sắp đến.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ, sớm công bố kết quả điều tra. Theo ông Lượng, chẳng hạn như Hà Giang, thời gian điều tra đến nay cũng đã khá lâu, hơn 9 tháng nên phải sớm kết thúc và công bố với dư luận.
Ủy ban cũng lưu ý Bộ Công an phải điều tra, làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, nhất là với những phụ huynh, người thân có chức quyền để bảo vệ uy tín, đồng thời phát huy tính nêu gương của người cán bộ Đảng viên.
“Có hay không những người lợi dụng chức vụ quyền hạn, có hay không những người đưa hối lộ và nhận hối lộ? Cơ quan điều tra phải đặc biệt lưu ý đến nội dung này”, ông Lượng cho biết.
Ủy ban cũng đề nghị phải chú ý, đảm bảo sự công bằng trong điều tra giữa các tỉnh. Bởi hiện có tỉnh thì cơ quan an ninh điều tra của Bộ vào cuộc, nhưng có tỉnh lại do chính địa phương tự làm. Bộ Công an phải hỗ trợ, tham gia với các đơn vị địa phương để có sự công bằng giữa các tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận