Công an tỉnh Hòa Bình vừa công bố kết luận điều tra có 64 thí sinh được sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh này năm học 2018-2019. Theo quy chế tuyển sinh, kết quả thi của những thí sinh này sẽ bị hủy, đồng nghĩa cánh cửa trường đại học các em vừa bước vào sẽ khép lại!
Sau Hòa Bình, có thể lần lượt sẽ là Hà Giang, Sơn La và rất nhiều địa phương dính bê bối gian lận thi cử vừa qua. Danh sách những thí sinh phải chia tay trường đại học chắc còn nối dài.
Vậy là niềm tự hào của các em và gia đình hôm nào nhận giấy báo nhập học, bỗng chốc trở thành nỗi ê chề không dễ che đậy!
Những cán bộ ngành Giáo dục sai phạm nhận tiền nâng điểm cho thí sinh đã vướng vòng lao lý. Còn những phụ huynh đã dùng tiền để đổi điểm, cùng với chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn phải chịu trách nhiệm với khủng hoảng, tiêu cực họ gieo cho chính con em mình.
Có thể, các em và gia đình cũng đã lường trước kết cục này khi tiêu cực rúng động ngành Giáo dục bị phanh phui tại nhiều địa phương. Song đối diện với thực tế, nhất là sự bới móc, dè bỉu của bạn bè, của hàng xóm láng giềng, của cả cộng đồng vẫn là một thử thách khắc nghiệt, nhất là với các em còn đang ở lứa tuổi chập chững bước vào đời.
Những bậc phụ huynh, khi trả tiền cho người sửa điểm, hẳn mong muốn sắp đặt cho con em mình một lợi thế về cơ hội học tập, việc làm. Cũng có thể là để mang lại cho họ một tấm áo khoác mang tên danh dự gia đình, thể diện xã hội.
Mong muốn ấy chẳng sai, sai là ở cách thức thực hiện, bất chấp chuẩn mực đạo lý và pháp lý! Nếu bê bối gian lận thi cử này không bị phát hiện, phần lớn các em sẽ bước tiếp con đường êm ả mà cha mẹ đã dọn sẵn.
Nhưng như thế cũng có nghĩa bằng đó thí sinh khác bị tước đi cơ hội đỗ đại học, tước đi cơ hội nghề nghiệp, việc làm mà họ xứng đáng nhận được.
Mặt khác, những bậc cha mẹ bỏ tiền mua điểm, làm sao đủ nhân cách dạy bảo con em sống, làm việc, vươn lên bằng năng lực, giá trị thực chất, nhất là khi các em biết rằng kết quả đỗ đạt của mình là nhờ sự câu kết bất lương?
Các em liệu còn phản xạ phản kháng, đấu tranh với những sai trái, bất công, tiêu cực trong môi trường sống, làm việc quanh mình?
Tôi hy vọng các thí sinh được sửa điểm hoàn toàn không hay biết về cái bắt tay “ma quỷ” của người lớn. Nhưng chuyện đó thật khó xảy ra vì hơn ai hết, các em đều biết lực học của mình.
Vì vậy, hơn tất cả, điều tôi mong muốn lúc này là các em bình tĩnh đối diện, mạnh mẽ đi qua thử thách. Thay vì chán nản, buông xuôi, mất hi vọng, gia đình hãy sửa sai, là chỗ dựa để các em tìm kiếm, lựa chọn những cơ hội vừa sức, phù hợp với năng lực của bản thân.
Tôi cũng hy vọng, những người khác hãy xem vụ bê bối điểm thi này là một bài học đắt giá, rằng không nên mong cầu, giành giật những thứ vượt khả năng bằng mọi cách.
Và các em - nạn nhân của sự sắp đặt không như mong muốn, nếu vượt qua khó khăn này, tôi tin các em sẽ mạnh mẽ, nghị lực và trưởng thành hơn, mỗi khi phải đối diện với thử thách trên con đường đời rất dài phía trước!
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận