Ngày 17/10, ngày thứ 4 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo, những người được triệu tập có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, ông Trần Hà Thắng (cán bộ Phòng PA03, Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, chỉ quen bị cáo Lê Thị Dung do có mối quan hệ trong công việc. Thắng thừa nhận có em họ là chiến sĩ nghĩa vụ ngành công an thi tốt nghiệp nên nhờ bà Dung "quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ" và nhờ bị cáo Dung xem xét giúp 3 trường hợp khác là con, cháu của người quen.
Ông Thắng cũng khai do không biết bị cáo Dung có vai trò, quan hệ ra sao trong kỳ thi nên chỉ nhờ "tạo thuận lợi cho các cháu", nhưng "hoàn toàn không đưa gì" cho bà Dung.
Khi thẩm phán Vương Thị Thu Hà, chủ tọa phiên toà yêu cầu nhân chứng đánh giá tính đúng, sai của việc nhờ vả, ông Thắng cho biết "lúc nhờ không hình dung được sự việc lại phức tạp". Sau này, mới biết hành động của mình là sai. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn khẳng định mình chỉ nhờ giúp đỡ chứ không đề nghị nâng điểm.
Ngay sau đó, chủ tọa cho rằng không thể có chuyện không đề cập nâng điểm mà 4 thí sinh lại được nâng điểm cao như cáo trạng thể hiện. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn cho rằng bản thân không bàn bạc từ trước với bà Dung mà chỉ nói "quan tâm, tạo điều kiện" cho thí sinh.
Tiếp đó chủ tọa hỏi: "Theo anh biết thì khả năng của bà Dung quan tâm, tạo điều kiện được đến đâu?", ông Thắng trả lời không biết điều này.
"Làm gì có chuyện nhắn tin, gửi cho nhau danh sách thí sinh mà lại nói không biết. Không biết mà điểm tăng vù vù. Nói phải có tính thuyết phục", thẩm phán Vương Thị Thu Hà đặt vấn đề và cho rằng nội dung khai báo của ông Thắng, cả HĐXX, các luật sư và người dự phiên tòa đều không đồng tình, ông Thắng cần suy nghĩ lại vì nhân chứng phải trung thực, khách quan.
HĐXX chất vấn bà Tống Thị Thu Hương, vợ bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) về tình tiết con lợn nhựa, vật chứng liên quan đến vụ án.
Bà Hương khai không biết chồng mình làm gì tại thời điểm diễn ra kỳ thi nói trên. Bà Hương cũng khai báo không biết con lợn nhựa có liên quan đến vụ án, không thấy ai đến nhà để nhờ chồng mình nâng điểm thi.
HĐXX hỏi khi cơ quan điều tra khám xét nơi ở của bà Hương, mẹ đẻ của bà Hương thì có thu được 1 con lợn, bị cáo Lương có trình bày đó là con lợn nhựa, vậy bà cho biết con lợn nhựa có nguồn gốc từ đâu?. Đáp lại, bà Hương nói đó là con lợn nhựa để làm đồ chơi cho con mình và không bỏ tiền tiết kiệm vào con lợn này.
"Khi cơ quan điều tra thu con lợn đó, chị có biết không? Chị có biết bị cáo Lương để tài liệu, đồ vật gì trong con lợn này không?". Bà Hương nói: "Tôi không biết".
HĐXX tiếp tục hỏi bà Nguyễn Thị Hương, vợ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).
Khi được hỏi có biết những việc chồng làm trước khi vụ việc được phanh phui hay không, bà Hương nói chỉ biết đến những việc làm của chồng mình thông qua báo chí.
"Bình thường chồng tôi có khách thì tôi ở dưới bếp chứ không ở trên nhà. Vì chồng tôi thường về muộn nên khách đến cũng muộn. Nếu ở phòng khách mà nói chuyện thì tôi không để ý câu chuyện của chồng tôi với khách. Tôi cũng chỉ biết là khách đến chứ không biết là ai bởi vì lúc đó tôi lúi húi làm việc dưới bếp", bà Hương khai và cho biết trong thời gian Hoài vắng nhà, bà không thấy ai đến biếu quà cáp gì và cũng không ai nhờ nâng hoặc xem điểm.
Bị cáo Hoài khai trong quá trình ở nhà, vợ Hoài hoặc vào bếp nấu cơm, hoặc sang nhà ngoại, hoặc sang nhà nội vì 3 nhà gần nhau.
“Quan điểm tôi và vợ tôi thống nhất ngay từ ban đầu, việc của ai người ấy biết, máy tính của tôi chỉ tôi được sử dụng", Nguyễn Thanh Hoài nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận