Vấn nạn sách số lậu phát triển cùng đà với sự phổ biến của thiết bị di động |
Cuộc chiến chống 15 phút bẻ khóa
13 năm trôi qua kể từ ngày Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam, câu chuyện sách lậu vẫn chưa dừng, thậm chí phát triển đến một cấp độ khác.
Mới đây, tại Hội thảo về xử lý vi phạm bản quyền sách số, hàng loạt các đơn vị làm sách chính thống như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, NXB Phụ nữ cho tới các công ty sách tư nhân như: Nhã Nam, Phương Nam, Chibooks, First News, Alphabooks… đã phải kêu trời vì các đầu sách bán chạy như: Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống, tác giả Trần Đình Hoành, NXB Phụ nữ, Quốc gia khởi nghiệp, tác giả Dan Senor và Saul Singer của Alphabooks, những bộ sách như: Percy Jackson và Biên niên sử nhà Kane của tác giả Rick Riordan (Chibooks)… bị làm giả đặc biệt tinh vi dưới các hình thức sách số, phát tán thông qua hệ thống những trang web chia sẻ với giá rẻ như cho, thậm chí là miễn phí…
Khi chưa bước vào kỷ nguyên số, vấn đề sách lậu mà các nhà phát hành phải đối phó chỉ nằm ở việc kiểm soát các bản in. Khi internet phát triển, thiết bị di động trở nên phổ cập, hình thức đọc sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) ra đời, đã tạo ra sự thay đổi đáng kể. Nhiều người làm sách tỏ ra hồ hởi, thậm chí tự tin rằng đã tìm ra được giải pháp cho câu chuyện ăn cắp bản quyền. Từng có thời, có nhà xuất bản còn vỗ ngực coi ebook như một thứ vũ khí hữu hiệu, đối chọi lại với sách in lậu trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó giám đốc Alphabooks từng hồ hởi nhận định trên báo giới: “Giải pháp làm sách bỏ túi nằm trong chiến dịch tuyên chiến với sách lậu”.
Sách số ưu việt hơn: Không tốn tiền in từ ruột tới bìa, không mất phí đóng gói, bảo quản, vận chuyển, không tốn mặt bằng bày bán… Một lượng lớn chi phí được tiết kiệm, tạo điều kiện cho người làm sách tự tin giảm giá bán, có nơi từ 10-20% giá bìa sách in. Tuy nhiên, sách điện tử có bản quyền chưa kịp lên ngôi, thì sách điện tử lậu đã hoành hành. Anh Nguyễn Xuân Minh, Phó phòng Tu thư, Công ty Nhã Nam cho hay: “Có tình trạng sách số vừa đưa lên, 15 phút sau đã bị bẻ khóa với chất lượng y hệt”. Mọi ưu việt của sách điện tử, giới làm sách lậu cũng tận dụng không hề thua kém và thậm chí còn triệt để hơn gấp bội.
Chuyện không của riêng người làm sách
Khi cuộc chiến chống sách lậu đã mở rộng cả lên mặt trận số hóa, thì đó không còn là câu chuyện riêng của các nhà xuất bản, nhà phát hành hay các trung tâm tác quyền. Trước đây, kiểm soát các bản in cứng đã không dễ dàng. Nay, giữa một biển internet mênh mông, người làm sách không thể đơn độc càn quét những góc khuất chứa sách lậu.
Nhà văn Đỗ Hàn, Phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam khẳng định sự tham gia của các cơ quan chức năng ngành công nghệ thông tin là: “Quá cần thiết. Thậm chí, lãnh vai trò tư lệnh việc này phải là Bộ Thông tin và Truyền thông, phải vào cuộc để thâu tóm những con người ấy, đơn vị ấy thì mới làm được”.
Hình thức chia sẻ sách số lậu đang rất phổ biến thông qua các trang web trực tuyến. Theo đại diện của trung tâm Inet (nhà đăng ký tên miền quốc gia “.vn” và tên miền quốc tế “.com”) thì khi một cá nhân tổ chức nắm rõ bằng chứng một trang web vi phạm bản quyền: “Việc đầu tiên cần làm là phải gửi báo cáo tới các nhà quản lý tên miền để họ nắm thông tin, rằng có vấn đề vi phạm như thế. Sau đó, bên bị vi phạm cần chuẩn bị các thủ tục pháp lý, như khởi kiện. Với các tên miền Việt Nam thì hoàn toàn có thể phối hợp để xử lý”.
Song, đại diện Inet cũng nhấn mạnh: “Nội dung hoàn toàn do khách hàng sử dụng, chứ không thuộc quyền quản lý hay liên quan đến nhà cung cấp. Có khi khách hàng chỉ đăng kí tên miền rồi để đấy thì nhà cung cấp cũng không quan tâm”. Đó là lý do mà hàng loạt trang web chia sẻ sách số hiện nay như: dtv-ebook, medocsach, taisachonline, tinhte, santruyen, sachtruyen, tailieu, taisachhay, sachnoionline, tusachcuaban, asach… ra đời với tốc độ chóng mặt, mà không hề gặp khó khăn trong khâu đăng ký. Cũng như phim lậu, gần như không thể siết chặt bản quyền ngay từ khâu đăng ký website, do không thể yêu cầu nhà cung cấp tên miền sàng lọc nội dung.
Hơn nữa, việc kiểm soát dù gắt gao tới mấy cũng chỉ có thể nằm ở phạm vi các trang web có tên miền Việt Nam. Còn trong trường hợp phát tán trên các đơn vị quốc tế, đặc biệt là hiện tượng phát tán sách nói trên facebook, youtube, hai mạng xã hội lớn hiện nay, thì người bị vi phạm chỉ có thể gửi phản hồi trực tiếp tới hệ thống báo cáo (report) của những trang này và chờ đợi xét duyệt để xử lý một cách hết sức bị động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận