Cô Han Siyuan là một trong 6 nữ phi công làm việc cho hãng hàng không Spring Airlines của Trung Quốc |
Đây là một công việc đòi hỏi có sức khoẻ, thể lực tốt, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, vì vậy có rất ít nữ chọn nghề này. Tại Trung Quốc, quốc gia vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, con đường để đi tới ước mơ trở thành phi công của những người phụ nữ còn khó khăn gấp bội.
Hàng hiếm của ngành hàng không
Cô Han Siyuan là trong những cơ trưởng của hãng hàng không giá rẻ Spring Airlines, Trung Quốc, đã có thâm niên 10 năm trong nghề. Giống như nhiều người khác, những ngày đầu bước chân vào công việc này với cô không hề dễ dàng.
Khi Han Siyuan lần đầu quyết định nộp đơn ứng tuyển để trở thành phi công vào năm 2008, cô phải đối mặt với 400 ứng viên nữ khác là bạn cùng trường đại học. Vượt qua rất nhiều các kỳ đánh giá năng lực bằng tiếng Anh cùng các bài kiểm tra về hình thể, cuối cùng Han cũng trở thành cô gái duy nhất của trường được hãng hàng không Spring Airlines lựa chọn để đào tạo vào năm đó.
Han là một trong 713 phụ nữ Trung Quốc có giấy phép lái máy bay dân sự (tính đến cuối năm 2017), so với 55.052 nam giới. Trong tổng số 800 phi công của Spring Airlines, chỉ có 6 phi công là nữ.
"Tôi đã quen với việc sống trong thế giới nhiều đàn ông", nữ cơ trưởng 30 tuổi nói với hãng tin Reuters.
Cho đến tận bây giờ, quá trình tuyển dụng nữ phi công tại Trung Quốc vẫn chưa dễ dàng hơn. Tỷ lệ phụ nữ lái máy bay ở quốc gia châu Á này chỉ là 1,3 %, một trong những con số thấp nhất thế giới. Các hãng hàng không tại đây thường ưu tiên ứng viên nam và rất hiếm khi tuyển nữ.
Ông Li Haipeng, Phó Giám đốc Viện Quản lý hàng không dân dụng ở Trung Quốc cho biết, nhiều hãng bay không muốn thuê nữ giới vì họ sẽ mất thời gian nghỉ thai sản. Đặc biệt là sau khi Bắc kinh thay đổi chính sách cho phép sinh 2 con, các nữ phi công có thể sẽ không bay trong thời gian lên tới 5 năm.
Theo ông Li, ngoài Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã có một số nỗ lực để tuyển dụng phi công là phụ nữ, còn lại gần như tất cả các công ty khác thì không hề làm điều này.
Một số phi công tiết lộ rằng, mặc dù trong yêu cầu của Viện Quản lý hàng không dân dụng không hề đề cập tới vấn đề giới tính và cơ quan này cũng đề xuất các hãng hàng không nên tuyển dụng thêm các phi công là nữ, nhưng trên thực thế, quyết định tuyển hay không vẫn thuộc về các hãng.
Đấu tranh để được trở thành phi công
Các nữ phi công Trung Quốc đang kêu gọi một cuộc cải cách, thay đổi trong việc tuyển dụng, để những người phụ nữ thực sự đam mê công việc này có cơ hội được làm việc tại các hãng hàng không trong nước.
Chi hội phụ nữ của Hiệp hội Phi công hàng không Trung Quốc (ChALPA) đã được thành lập vào tháng 3/2018, ngay trong một sự kiện có sự tham dự của các phi công quân đội và các hãng bay địa phương.
Theo bà Chen Jingxian, một người từng có thời gian được đào tạo bay tại Mỹ và hiện đang là Phó Chủ tịch chi hội phụ nữ ChALPA, bà và nhiều người khác đã cố gắng truyền bá thông điệp bình đẳng giới trong việc tuyển dụng, bằng cách nói về vấn đề này tại các chương trình hàng không ở Trung Quốc.
Họ hy vọng thông qua việc tuyên truyền sẽ thuyết phục các hãng hàng không trong nước điều chỉnh chính sách tuyển dụng và thai sản đối với các nữ phi công.
Cơ trưởng được nhắc tới ở đầu bài viết, cô Han Siyuan mới đây đã xuất hiện trong các video quảng cáo của hãng Spring Airlines. Cô mong rằng, những hình ảnh quảng bá này sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức, thay đổi cái nhìn về việc phụ nữ làm phi công.
“Tôi không thể trao cho mọi người cơ hội, nhưng tôi hy vọng sự quảng bá này có thể dần dần mở ra cánh cửa cho các cô gái có ước mơ lái máy bay”, cô Han bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận