Tàu SB chuyển tải hàng từ tàu biển trên vùng nước hàng hải thuộc sông Tiền |
Tàu SB trốn cảng vụ hàng hải
Mới đây, tàu sông cấp SI Trường Giang 06 có trọng tải 1.170 tấn hàng khi neo đậu tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng đã không thực hiện thủ tục vào cảng. Đáng nói hơn, sau một thời gian neo đậu, tàu này lại tự ý rời đi mà không thông báo cho cảng vụ hàng hải, cũng như chưa nộp các khoản phí, lệ phí hàng hải theo quy định.
Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đành phải phát văn bản đến các cảng vụ hàng hải, đường thủy trên toàn quốc để trong quá trình làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng chú ý phát hiện phương tiện trên.
Tương tự, cách đây hơn một tháng, tàu SB Tân Cửu Long SG- 5092 của một doanh nghiệp tại TP.HCM sau khi vào neo đậu tại cảng biển Ba Ngòi, Khánh Hòa cũng tự ý rời cảng mà không thực hiện các thủ tục rời cảng biển theo quy định. Không cách nào khác, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng đành phát văn bản đến doanh nghiệp, các cảng vụ hàng hải, đường thủy đề nghị tìm phương tiện...
Theo Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, trong năm 2016, tại khu vực Cam Ranh và Vân Phong đã có tới 8 tàu và sà lan tự ý rời cảng. Đáng chú ý nhất là tàu của Công ty VPTM Văn Tiến rất nhiều lần tự ý rời cảng. “Trong 8 trường hợp bị phát hiện trong năm qua, tàu của công ty này có đến 4 lần tự ý rời cảng”, ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang nói và cho biết thêm: Việc các phương tiện tự ý rời khỏi khu vực quản lý sẽ dẫn đến những hệ lụy như xảy ra mất an toàn trên biển.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một số cảng vụ ĐTNĐ khu vực (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, thường xuyên nhận được các văn bản của cảng vụ Hàng hải đề nghị phối hợp tìm, xử lý các tàu sông pha biển, tàu sông tự ý rời cảng biển. Trong đó, nhiều nhất là các cảng vụ tại khu vực miền Trung, phía Nam. “Chúng tôi thi thoảng cũng nhận được thông báo của cảng vụ hàng hải miền Trung đề nghị tìm phương tiện tự ý rời cảng biển. Các thông báo được gửi đến các đại diện cảng vụ trực thuộc và từng tổ cảng vụ để truy tìm phương tiện, thế nhưng chúng tôi chưa phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Có thể, đó là các tàu SB nên có thể không vào sâu trong nội địa”, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho biết.
Tương tự, ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I (Hải Phòng) cũng cho biết: Trung bình mỗi năm cảng vụ phát hiện, xử phạt vài trường hợp vi phạm theo đề nghị của các cảng vụ hàng hải. “Các phương tiện trên nếu vào phạm vi cảng, bến có sự quản lý của cảng vụ thì xử phạt được, còn nếu đi vào cảng, bến không phép sẽ khó phát hiện, tìm được”, ông Dũng nói.
Vì đâu tàu trốn làm thủ tục rời cảng biển?
Liên quan đến lý do tàu trốn làm thủ tục, ông Văn Trọng Dũng nói: Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này trong đó có việc nhiều tàu xếp hàng quá tải nên cơ quan chức năng không cho rời cảng biển. Tuy nhiên, bốc hàng lên có khi mất hàng tuần nên chọn cách tự ý rời đi để sau đó chấp nhận bị xử phạt đỡ để tốn kém hơn so với chi phí bốc dỡ hoặc bị xử phạt vì chở quá tải. “Ngoài ra, cũng có trường hợp phương tiện vi phạm nhiều lỗi, thuyền trưởng sợ bị phạt nặng, cũng cho tàu tự ý rời đi”, ông Dũng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tâm, Thuyền phó tàu SB của một doanh nghiệp vận tải thủy ở Hải Dương cho rằng nguyên nhân chính khiến các tàu tự ý rời đi đôi khi do xếp hàng vượt tải nên cũng liều “trốn” và chịu phạt sau, với mức phạt thấp hơn so với mức phạt chở quá tải 2-3 lần.
“Đôi khi cũng do chịu áp lực về tài chính hoặc đi chuyến cuối trước khi đưa tàu vào xưởng sửa chữa lớn, thanh lý tàu nên trốn thủ tục, chi phí rời cảng để bớt đồng nào hay đồng đó. Cũng có tàu phải rời cảng bất thình lình để khỏi bị doanh nghiệp khác cử người đến siết nợ, ngân hàng đến đề nghị bắt giữ”, ông Tâm kể.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Văn Chương, hầu hết các phương tiện tự ý rời cảng là phương tiện thủy nội địa đến thi công tại các dự án trong vùng nước cảng biển, cấp đăng kiểm của phương tiện từ cấp SI trở xuống. Các phương tiện thủy này muốn đi biển phải xin Giấy phép đi biển một chuyến nên đã cố ý rời cảng đi không phép.
“Để ngăn chặn kịp thời các phương tiện tự ý rời khỏi khu vực quản lý mà không thực hiện các thủ tục theo quy định, cần cho phép cảng vụ tạm giữ bản chính các giấy đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp của các phương tiện này khi đến các vùng nước cảng biển hoạt động”, ông Chương đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, cũng có trường hợp tàu tự rời cảng là do thuyền trưởng mới đi biển lần đầu, không hiểu biết pháp luật. Họ cứ nghĩ rằng, chỉ cần xin phép đến mà không cần xin phép đi. “Thực tế cho thấy, nhiều thuyền trưởng cứ nghĩ rằng trách nhiệm của họ là chỉ điều hành lái tàu, còn việc xin giấy phép lại là việc của chủ tàu, sà lan. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức pháp luật của thuyền trưởng”, ông Ba nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận